|
A Lưới hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả, giúp dân giảm nghèo bền vững |
Nhiệm vụ xuyên suốt
A Lưới là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025, đồng thời là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Từ khi được Chính phủ phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021-2025, A Lưới được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành quan tâm, lãnh, chỉ đạo, tập trung nguồn lực của Trung ương, địa phương và huy động nguồn lực khác để đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực về kinh tế - xã hội.
Qua kết quả rà soát đến cuối năm 2023, toàn huyện A Lưới còn 3.485 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,3%. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 3.405 hộ, chiếm 97,7%; hộ nghèo không có khả năng lao động 172 hộ, chiếm 4,9%; hộ nghèo có công cách mạng 248 hộ, chiếm 7,1%. Theo kế hoạch, phấn đấu năm 2024 giảm 1.426 hộ nghèo, còn lại 2.057 hộ, tương ứng 14,3%.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, công tác GNBV trên địa bàn huyện A Lưới được xem là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài nhằm đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Để đạt được những kết quả tích cực, đưa huyện thoát nghèo trước thời hạn một năm, huyện A Lưới đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp GNBV.
Trong đó, công tác phối hợp, quản lý, điều hành đã được UBND huyện quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Cơ quan thường trực chương trình, các phòng ban liên quan, UBND các xã luôn trao đổi, phối hợp, hỗ trợ trong quá trình thực hiện. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất với cấp trên những vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Huyện A Lưới đã ban hành kế hoạch giảm nghèo chi tiết đến từng xã, giảm nghèo theo hộ gia đình. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện, các xã, thị trấn hàng năm xây dựng kế hoạch giảm nghèo theo hộ gia đình, nhu cầu, các chiều thiếu hụt để có những chính sách hỗ trợ nhằm giúp các hộ thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, GNBV trọng tâm là tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở và sinh kế cho người dân. Kết quả đến cuối năm 2023, huyện A Lưới đã rà roát các tiêu chí quy định tại Quyết định số 36/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Qua đánh giá, hệ thống chỉ tiêu xác định, chấm điểm huyện nghèo cuối năm 2023, huyện A Lưới đảm bảo điều kiện thoát khỏi tình trạng huyện nghèo năm 2024, sớm hơn một năm so với quy định.
Thực chất và bền vững
Theo UBND huyện A Lưới, quan điểm thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện là bám sát thực trạng, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về GNBV để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo. Nhờ thế nên kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới là thực chất và bền vững.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, huyện đang và tiếp tục chỉ đạo các giải pháp giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Theo đó, tập trung hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thuộc nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) đã được phê duyệt. Huy động các nguồn nội lực và thu hút đầu tư để đầu tư cơ sở hạ tầng ở những địa bàn khó khăn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Để thoát nghèo bền vững, A Lưới hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, tập trung thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với việc duy trì những dự án đã có thương hiệu như “Bò A Lưới”, phát triển dự án trồng cây dược liệu, các dự án nuôi dê, lợn rừng. Thúc đẩy kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là một số cây trồng có giá trị cao trong xuất khẩu phù hợp với thổ nhưỡng.
A Lưới cũng khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, lấy khâu đột phá về phát triển nông nghiệp sạch, đặc trưng trở thành hàng hóa gắn với thực hiện chương trình mỗi xã, làng một sản phẩm.
Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo các chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ CTMTQG GNBV, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Vận động và hỗ trợ hộ nghèo xây bể nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh từ CTMTQG xây dựng nông thôn mới và các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.