|
Tặng quà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam tại TX. Hương Trà |
Hiện nay, toàn tỉnh có 71 tổ chức hội từ tỉnh đến phường, xã đang hoạt động có hiệu quả và là chỗ dựa tinh thần cho trên 3.200 hội viên đang sinh hoạt. Các cấp hội luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; thực hiện nghiêm túc Điều lệ Hội và Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành cấp hội đề ra.
Ban Chấp hành mà trực tiếp là Thường vụ Tỉnh hội luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận Tỉnh ủy làm cầu nối để tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy ban hành văn bản kịp thời. Năm 2021, Thường vụ Tỉnh hội đã đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý bố trí kinh phí thực hiện việc khảo sát nạn nhân chất độc da cam và những người bị phơi nhiễm trên địa bàn tỉnh. Kết quả của nhiệm vụ này đã giúp các cấp hội có được những số liệu cơ bản, mới nhất liên quan đến các đối tượng nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin trên địa bàn. Đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường, văn phòng Ban chỉ đạo 701 khảo sát, đánh giá hiện trạng tồn lưu chất độc hóa học tại sân bay A So (huyện A Lưới) và vùng phụ cận. Hiện đang được Bộ Tư lệnh hóa học tiến hành tẩy độc các vùng xung quanh khu vực này.
Trong công tác chính sách và đền ơn đáp nghĩa, Ban Chấp hành Tỉnh hội đã luôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho các nạn nhân da cam/dioxin và những đối tượng là người hoạt động kháng chiến, con đẻ của họ; tham gia, đề xuất chế độ ưu đãi cho các trường hợp là con, cháu của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang theo học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Trong nhiệm kỳ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã vận động được 11.090,150 triệu đồng hỗ trợ cho 27.218 lượt nạn nhân chất độc da cam; làm mới 33 ngôi nhà cho nạn nhân với số tiền trên 2 tỷ đồng; sửa chữa 45 ngôi nhà với số tiền gần 575 triệu đồng…
Cùng với đó, Tỉnh hội và Huyện hội Hương Thủy, Phong Điền đã huy động được số tiền 160 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa hỗ trợ cho 32 gia đình nạn nhân vay với lãi suất 0%/năm trong 2 năm để tạo sinh kế. Vốn này sẽ được thu hồi và xoay vòng, chuyển cho các gia đình nạn nhân khác vay làm vốn sản xuất xóa đói giảm nghèo. Đây là một mô hình hay, sáng tạo cần được nhân rộng, phát triển tại các cấp hội. Hiện tại, Trung ương hội đang hỗ trợ cho 5 cháu là con nạn nhân da cam mỗi cháu 500.000 đồng/tháng trong 36 tháng đang theo học tại các trường đại học, trường dạy nghề và làm hồ sơ để Trung ương hội hỗ trợ kinh phí sửa chữa lại một số nhà của nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn.
Từ những kết quả trên, một số bài học đã được rút ra từ thực tiễn. Trước tiên, đó là những địa phương nào tranh thủ được sự chỉ đạo kịp thời, sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền cùng cấp thì luôn được quan tâm về công tác tổ chức, nhân sự và kinh phí phục vụ cho các hoạt động của hội. Thứ đến, sự đoàn kết, nhất trí, tinh thần trách nhiệm cao trong nội bộ Ban Chấp hành các cấp hội là điều kiện tiên quyết cho thành công trong các hoạt động của hội. Cùng với đó, sự thay đổi hình thức hoạt động linh hoạt của Thường vụ Tỉnh hội và được sự đồng lòng, quyết tâm từ các Chủ tịch, PCT Hội cấp huyện, cấp cơ sở là hết sức cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho sự nhiệt tình tham gia của các hội viên.
Thời gian tới, để các hoạt động chăm sóc và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được thực hiện tốt hơn, các cấp hội sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ với các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… trong và ngoài nước, tranh thủ thêm nguồn lực nhằm giúp đỡ cho nạn nhân da cam và gia đình họ vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, tăng cường sự cộng tác chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nhân rộng các gương nạn nhân da cam điển hình vượt khó, các mô hình hay về cải thiện sinh kế cũng như truyền tải những địa chỉ người thực, việc thực có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ đến các nhà hảo tâm.