Thăm hỏi, chia sẻ, tri ân người có công được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hương Thủy thực hiện bằng cả tấm lòng
Hỏi số liệu liên quan đến đối tượng có công trên địa bàn thị xã, cứ ngỡ phải mất một lúc để tìm văn bản, ai dè bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội TX. Hương Thủy đọc luôn: Hiện, đối tượng có công trên địa bàn thị xã là 1.628 người, trong đó, 13 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đang được các đơn vị doanh nghiệp phụng dưỡng mỗi mẹ trên 500.000 đồng/tháng, đồng thời, nhiều cơ quan, đơn vị thường xuyên thăm hỏi khi các mẹ ốm đau, tặng quà, tặng dụng cụ sinh hoạt, hỗ trợ sửa chữa nhà ở...
“Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chế độ chính sách đối với gia đình có công; thờ cúng liệt sĩ; cấp thẻ BHYT; hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, miễn giảm học phí cho con, em gia đình chính sách; miễn giảm tiền sử dụng đất và hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất... theo quy định luôn được thực hiện kịp thời, đúng và đủ”, bà Thảo nói.
Theo bà Thảo, thực tế, đời sống của những đối tượng có công luôn là mối quan tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã. Xin đưa ra minh chứng về điều này: Tính riêng từ năm 2005 đến nay, ở Hương Thủy chưa có 1 trường hợp gia đình có công thắc mắc, khiếu nại về vấn đề chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng, cũng như việc tổ chức đi điều dưỡng tập trung tại các trung tâm điều dưỡng của Khánh Hòa, Quảng Nam, Nghệ An... cho các đối tượng có công – điều không phải địa phương nào cũng thực hiện được – đã thể hiện tình cảm, trách nhiệm, mong muốn tri ân, bù đắp phần nào trước những hy sinh, mất mát của gia đình và người có công, bà Thảo chia sẻ.
Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Thị ủy Hương Thủy cho biết, các đối tượng có công cách mạng trên địa bàn thị xã được toàn xã hội quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Hiện, trên 99,8% gia đình có công có cuộc sống cao hơn hoặc bằng người dân tại nơi cư trú, 100% Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng. Tuy nhiên, với việc vẫn còn 5 gia đình có công thuộc diện hộ nghèo, cũng như làm thế nào để giúp 5 hộ có công thoát nghèo đang là nỗi niềm của thị xã.
Qua tìm hiểu, cách đây 3 năm có hộ bà Võ Thị Dọn (tổ 6, P. Thủy Phương) và hộ ông Chế Báu (thôn Thanh Vân, xã Dương Hòa) là 2 gia đình có công thuộc diện hộ nghèo. Bên cạnh chế độ chính sách của Nhà nước, những hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần của Mặt trận, chính quyền, các đoàn thể và cộng đồng trên địa bàn thị xã đã giúp hộ bà Dọn và hộ ông Báu thoát nghèo. “Từ những hỗ trợ trên, bằng sức lao động của mình, gia đình ông Chế Báu đã thoát nghèo từ cây thanh trà, trong khi đàn gia súc, gia cầm cùng rau màu đã giúp hộ bà Võ Thị Dọn có thu nhập đều đặn hằng tháng”, ông Trần Tấn Quốc, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TX. Hương Thủy thông tin.
Phải khẳng định, phong trào toàn dân chăm sóc các đối tượng có công cách mạng luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TX. Hương Thủy chung tay với tinh thần, tình cảm, ý thức trách nhiệm đi kèm hiệu quả cao nhất. Vậy tại sao Hương Thủy vẫn chưa thể tìm ra “lời giải” của “bài toán” thoát nghèo đối với 5 gia đình có công nói trên?
Nguyên do, 5 gia đình có công là những hộ có thành viên hoặc mất sức lao động do tuổi cao sức yếu, hoặc do ảnh hưởng chất độc da cam. Những yếu tố này đã ngăn cản các hộ vươn lên thoát nghèo bằng sức lao động bản thân.
Đi tìm “lời giải” cho “bài toán” thoát nghèo của 5 trường hợp này, theo ông Trần Tấn Quốc, bên cạnh những hỗ trợ từ chính sách, tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, của các tổ chức, đoàn thể, để giúp 5 hộ này thoát nghèo thì cần thêm hỗ trợ từ bà con họ hàng. Đồng thời, các phòng, ban chức năng và chính quyền cần chỉ dẫn địa chỉ cụ thể để từ đó, các mạnh thường quân, tổ chức từ thiện có kế hoạch nhận bảo trợ, nuôi dưỡng suốt đời.
“Qua chuyện trò, những hộ này đều mong muốn có sức khỏe để thoát nghèo bằng nội lực. Tuy nhiên, “lực bất tòng tâm” nên theo tôi cách này là khả thi nhất”, ông Quốc chia sẻ.
Bài, ảnh: Hàn Đăng