ClockThứ Tư, 15/01/2020 08:25

Lo tết cho đồng bào vùng biên

TTH - Trong câu chuyện tết trên các bản, làng biên giới, nhiều người dân thường kể cho nhau nghe những chuyện cảm động về người lính biên phòng. Năm nào cũng vậy, các anh đã gác lại chuyện riêng tư để cùng chăm lo cho đồng bào đón xuân, vui tết, làm thắm thêm tình quân - dân.

Ánh lửa vùng biên

Những phần quà tết đậm nghĩa tình đến với đồng bào nghèo ở A Lưới trước thềm Xuân Canh Tý

Quà cho biên giới

Đang phân chia, sắp xếp quà tết cho các gia đình đồng bào nghèo ở xã A Roàng (huyện A Lưới), Thiếu tá Thái Ngọc Hùng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hương Nguyên dừng tay chia sẻ: “Anh em đang chuẩn bị quà tết cho các gia đình nghèo trên địa bàn đơn vị phụ trách, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng, bao gồm bánh kẹo và nhu yếu phẩm… Kinh phí trao quà do các cán bộ, chiến sĩ trích từ tiền lương đóng góp và vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm”.

Khác với mọi khi, căn nhà của gia đình bà Kăn Níu (82 tuổi­) ở thôn A Roàng 2, xã A Roàng lúc chúng tôi đến thật rộn ràng. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Nguyên đang sơn quét lại nhà cửa giúp gia đình bà chuẩn bị đón tết. Là hộ nghèo thuộc diện neo đơn, bà Kăn Níu được Đồn Biên phòng Hương Nguyên nhận chăm sóc hàng tháng với mức hỗ trợ 20 kg gạo và 300.000 đồng, nhằm giúp gia đình giảm bớt khó khăn. Hôm đó, gia đình bà càng vui hơn bởi ngoài phần hỗ trợ thường xuyên còn được nhận phần quà tết ấm áp nghĩa tình do chính cán bộ, chiến sĩ đơn vị dành dụm, quyên góp.

Bà Kăn Níu bộc bạch: “Trong năm qua, đồn biên phòng đã giúp đỡ cho gia đình tôi và bà con trong thôn rất nhiều, từ việc hỗ trợ gạo đến đỡ đầu cho các cháu đi học. Dịp tết đến, các chú bộ đội đến sửa sang nhà cửa, tặng quà cho bà con ăn tết nữa… Ơn bộ đội nhiều lắm!”.

Thiếu tá Thái Ngọc Hùng chia sẻ thêm, hiện tại đơn vị đang nhận hỗ trợ 6 trường hợp già cả neo đơn trên địa bàn và đỡ đầu cho 6 cháu học sinh nghèo với mức 500.000 đồng/cháu/tháng để các cháu được đến trường.

Quây quần với người thân bên bếp lửa, bà Kăn Nhiêu (73 tuổi) ở thôn A Ka, xã A Roàng, cũng là hộ được Đồn Biên phòng Hương Nguyên nhận cưu mang. Bà không giấu được xúc động: “Nhờ bộ đội mà tết năm nay gia đình tôi đã có nhà mới để ở, có gạo để ăn, cháu chắt lại được hỗ trợ học hành...”. Là thân nhân liệt sĩ thuộc diện hộ nghèo, những tháng trước tết, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hương Nguyên đã quyên góp hỗ trợ gia đình bà 25 triệu đồng để sửa chữa nhà cửa. Căn nhà hoàn thành cũng vừa lúc tết đến nên trong lòng ai cũng phấn chấn.

Bà Kăn Nhiêu vui mừng đón nhận sự hỗ trợ sửa chữa nhà của Đồn Biên phòng Hương Nguyên trước thềm xuân mới

“Xuân ấm vùng biên”

Chương trình “Xuân ấm vùng biên” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phát động đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều tấm lòng. Mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng cũng đã tự nguyện đóng góp tiền lương để ủng hộ đồng bào nghèo biên giới. Nhờ vậy, đồng bào được đón tết trong hơi ấm của tình thương yêu với những phần quà ý nghĩa và sự hỗ trợ thiết thực.

Để thực hiện tốt chương trình phát động của cấp trên, các đơn vị biên phòng đã xây dựng nội dung và tổ chức nhiều phong trào như: mỗi cán bộ, đảng viên tham gia vận động các phần quà cho số hộ nghèo, hộ khó khăn do mình phụ trách; phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà tết cho các đối tượng người có công, hộ nghèo trên địa bàn, mỗi suất quà trị giá 300 - 500 ngàn đồng. Đoàn thanh niên các đơn vị phối hợp với địa phương tổ chức chỉnh trang nhà cửa cho các gia đình neo đơn, tàn tật để bà con được đón tết vui vầy…

Đại tá Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh cho hay: “Các cơ quan, đơn vị đã gắn hoạt động “Xuân ấm vùng biên” với phong trào hỗ trợ các gia đình nghèo, đối tượng chính sách nâng cao thu nhập từ các mô hình kinh tế do mỗi đơn vị hỗ trợ cho bà con. Đồng thời, tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, quyên góp “Hũ gạo tình thương”... để giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách có cái tết được tươm tất, trọn vẹn hơn”.

Được giáo dục nâng cao ý thức và xác định rõ trách nhiệm trong việc chăm lo tết cho đồng bào nghèo nơi biên giới, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng biên phòng tích cực hưởng ứng phong trào. Các anh trích một phần gạo trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình để hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình chính sách. Nhờ đó, trước dịp tết, các hộ nghèo, đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên hai tuyến biên giới được các đơn vị hỗ trợ từ 15-20kg gạo. Không chỉ vậy, với số tiền quyên góp 20.000 đồng mỗi lần đối với một cán bộ, chiến sĩ, thùng tiết kiệm tại các đồn, trạm đã tạo thêm nhiều phần quà ý nghĩa cho bà con trong mỗi dịp xuân về.

Nhân dịp đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức vận động các cơ quan, ban, ngành, đơn vị trong và ngoài tỉnh; phát động chương trình “Xuân ấm biên cương” trong toàn lực lượng với tổng cộng hơn 500 suất quà, tổng trị giá gần 250 triệu đồng hỗ trợ đồng bào biên giới.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô
Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

Tại bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có một người đặc biệt luôn lặng lẽ, tận tụy giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Đó là ông Pơloong Chướch, một nghệ nhân cao tuổi đã dành cả cuộc đời để gắn bó với nghề đan lát.

Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

TIN MỚI

Return to top