Nhờ bám sát cơ sở, Công đoàn các khu công nghiệp tránh được tình trạng tuyên truyền một chiều theo kiểu “dọn chi ăn nấy”, thay vào đó là các buổi giao lưu, đối thoại. Hình thức này dễ cuốn hút công nhân vào chủ đề truyền thông; qua đó, cán bộ công đoàn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động ở cơ sở. Chủ đề truyền thông cũng được cụ thể hóa thành những câu hỏi, những tình huống sát thực với điều kiện làm việc của công nhân như: chế độ phụ cấp độc hại, con ốm mẹ nghỉ như thế nào, trong thời gian mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được hưởng những chế độ gì; yêu cầu chấp hành kỷ luật lao động, nội quy của doanh nghiệp đối với nữ công nhân mang thai như thế nào… Điều này tạo cho công nhân cảm giác như đang nghe chuyện của họ, đang nói về những hoàn cảnh mà họ từng gặp phải, chứ không phải là những điều khoản khô cứng trong luật.
|
Khi công nhân hiểu biết pháp luật lao động liên quan, sẽ yên tâm làm việc hơn
|
Ông Trần Hữu Cáo, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp cho biết: Hầu hết các buổi truyền thông pháp luật cho công nhân khu công nghiệp đều tận dụng thời gian sau ca làm việc, công nhân rất mệt mỏi, nếu buổi truyền thông không sinh động, không sát thực tế thì rất khó thu hút họ tham gia”.
Đối với công nhân lao động khi được nghe cán bộ công đoàn phố biến những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của mình, họ lại càng thêm tin tưởng vào công đoàn. Rời nương khoai, ruộng lúa chị Nguyễn Thị Tâm vào khu công nghiệp Phú Bài làm công nhân, lúc đầu chị chỉ biết cặm cụi làm việc, không dám thắc mắc bất cứ điều gì, cho đến khi được tham gia vào tổ chức công đoàn, được tuyên truyền phố biến pháp luật, mới vỡ lẽ: “Làm công nhân như tui cũng được nghỉ phép, được nghỉ khi con đau, được tham gia tư vấn sức khỏe, …thật cảm ơn công đoàn”, chị chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch LĐLĐ huyện A Lưới phấn khởi: Trong các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật do LĐLĐ huyện tổ chức gần đây, tình trạng có tên trong danh sách, nhưng không tham dự hay có tham dự nhưng lại làm việc riêng, sau giờ giải lao bỏ về không có lý do.... được cải thiện rõ rệt. Thay vào đó là không khí nghiêm túc, tập trung lắng nghe báo cáo viên trình bày, tham gia trao đổi, tranh luận, chủ động tiếp cận thông tin. Có được điều đó là nhờ các cán bộ công đoàn thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu cần thiết của người lao động và biết chọn thời điểm phù hợp. Đồng thời, nội dung tuyên truyền được các báo cáo viên nghiên cứu chọn lọc những vấn đề cơ bản, liên quan đến đối tượng tuyên truyền. Phương thức tuyên truyền được kết hợp linh hoạt, lồng ghép nhiều nội dung, hình ảnh minh họa sinh động.
Để kiến thức pháp luật lao động đến với công nhân lao động, Liên đoàn Lao động huyện Phong Điền đã xây dựng mạng lưới tuyên truyên viên theo từng tổ, từng xưởng, từng ca sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Họ là tổ trưởng, chuyền trưởng trong các phân xưởng sản xuất, có khả năng thuyết trình, có uy tín với công nhân lao động. Đội ngũ này được cán bộ công đoàn tập huấn, bồi dưỡng kiến thức giúp họ có thể trả lời, giải thích, tuyên truyền, phổ biến những chủ trương chính sách pháp luật có liên quan cho công nhân lao động. Từ đó mọi thắc mắc về chế độ chính sách sẽ được giải đáp ngay tại nơi sản xuất, hay trong lúc nghỉ giữa ca, trong các buổi sinh hoạt tại tổ và họ kịp thời thông tin cho công đoàn khi có tình trạng tranh chấp lao động xảy ra để giải quyết kịp thời.
Cùng với tuyên truyền miệng, hàng ngàn tờ gấp, sổ tay pháp luật lao động và công đoàn... cũng được các cấp công đoàn chắt lọc với nội dung ngắn gọn, trình bày rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp để phát cho công nhân hàng năm. Đồng thời, nhiều “sân chơi” tuyên truyền giáo dục được các cấp công đoàn tổ chức thường xuyên, dưới nhiều hình thức sinh động như: Hội thi “Công nhân với công đoàn”; “Hành trang công nhân” của ngành Xây dựng, Công ty TNHH Khoáng sản Thừa Thiên Huế… nhằm đưa pháp luật lao động đến với người lao động nhẹ nhàng và hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh thẳng thắn: Có bám sát cơ sở mới phát hiện những vướng mắc trong thực hiện chủ trương, chính sách để kịp thời đề xuất điều chỉnh cho phù hợp, khi đó công đoàn mới tạo được niềm tin trong công nhân cũng như trong doanh nghiệp.