Ảnh minh họa
Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, trong quá trình thương lượng, Tổng Liên đoàn lao động đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng 10% (giảm 3,3% so với mức đề xuất ở phiên họp trước) để các bên thảo luận. Theo ông, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm phát triển ổn định nên không thể tăng thấp hơn mức 7,3% của năm ngoái.
Còn theo đại diện VCCI, trước khi vào phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia, mức đề xuất tăng lương tối thiểu của các hiệp hội, ngành hàng là 2-4% để phù hợp với tăng năng suất lao động và đảm bảo đời sống người lao động. Trong phiên họp, phía đại diện doanh nghiệp đã chấp nhận đưa mức tăng lương tối thiểu lên 5%.
Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất 4 phương án mới để các bên tham khảo. Theo đó, mức điều chỉnh năm 2018 thấp nhất là 5% và cao nhất là 8% theo các phương án: Phương án 1, tăng mức lương tối thiểu từ 130.000 - 180.000 đồng, tương đương 4,8 - 5,2% (bình quân 5%).
Phương án 2, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 160.000 – 220.000 đồng, tương đương 5,9 - 6,2% (bình quân 6%).Phương án 3, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 180.000 – 250.000 đồng, tương đương 6,6 - 7,0% (bình quân 6,8%, bằng mức điều chỉnh phương án 1 và cải thiện thêm 1,8% theo mức đóng góp tối đa của lao động vào GDP).
Phương án 4, tăng mức lương tối thiểu tăng từ 220.000 – 280.000 đồng, tương đương 7,5 - 8,5% (bình quân 8,0%).
Trao đổi với báo chí, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, nếu như ở phiên họp lần trước, khoảng cách chênh lệch về mức tăng giữa hai bên rất lớn, tới hơn 8%, thì sau phiên họp thứ hai này mức chênh lệch đã giảm xuống một nửa. Cụ thể về tỷ lệ mức hạ xuống và tăng lên lương tối thiểu giữa các bên là bảo mật, con số chốt cuối cùng sẽ diễn ra trong phiên họp lần thứ 3 của Hội đồng tiền lương Quốc gia, dự kiến sẽ diễn ra sau một tuần nữa.Cũng theo Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, nếu như hai bên thống nhất được phương án đưa ra để bỏ phiếu và tỷ lệ bỏ phiếu đó quá bán, thì đó là phương án cuối cùng của Hội đồng tiền lương quốc gia. Trong trường hợp hai bên không thống nhất được thì hiện còn có hai phương án do đại diện người sử dụng lao động và đại diện người lao động đưa ra. Nếu phương án nào tỷ lệ lựa chọn cao hơn sẽ là phương án để Hội đồng lựa chọn.
Trước đó, tại phiên họp đầu tiên, các bên đã đưa ra phương án chênh lệch khá vênh nhau. Trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 13,3%, tương ứng với tăng 370.000 - 450.000 đồng thì VCCI lại đưa ra quan điểm hoặc không tăng hoặc chỉ tăng mức dưới 5%. Còn bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đưa ra 3 phương án, tăng lần lượt là 5%, 6% và 6,8%.
Theo Infonet