Bệnh nhân làm thủ tục tại khu vực đón tiếp bệnh nhân BHYT Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế
Thu hút bệnh nhân BHYT
Khu vực tiếp đón bệnh nhân BHYT tại Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế luôn thu hút đông bệnh nhân. Ông Nguyễn Văn Nhân, 50 tuổi, đến khám tại Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế, cho biết: “Nhiều năm nay, mỗi lần đau ốm tôi lại đến đây khám bệnh. Tuy nhiều người nghi ngại chất lượng khám BHYT, nhưng tôi thấy y bác sĩ ở Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế giỏi, nhiệt tình, nói chuyện nhẹ nhàng; phòng khám và các phòng bệnh cũng sạch sẽ nên khá yên tâm”.
Số liệu thống kê của Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế trong 5 năm qua cho thấy, bệnh viện đã tiếp nhận khám cho hơn 2 triệu bệnh nhân, với tổng số lần khám là hơn 7,6 triệu lượt; khám lâm sàng gần 2,4 triệu lượt và cận lâm sàng là hơn 5,2 triệu lượt; trong đó, bệnh nhân thuộc diện bảo BHYT chiếm 79,1%.
Tổng số bệnh nhân được điều trị là gần 354.000, trong đó điều trị nội trú hơn 157.000 bệnh nhân, ngoại trú gần 145.000 bệnh nhân, tán sỏi hơn 9.900 bệnh nhân, vô sinh hơn 35.500 bệnh nhân, DSA hơn 2.900 bệnh nhân; bệnh thuộc diện BHYT chiếm 78,2%, viện phí chiếm 21% và miễn phí 0,8%.
Theo Giám đốc Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế, trong lĩnh vực điều trị, khám chữa bệnh (KCB), Bệnh viện Trường là bệnh viện hạng I, thực hiện 12.650 dịch vụ kỹ thuật chuyên môn của tất cả các chuyên khoa được Bộ Y tế phê duyệt. Hằng năm, bệnh viện tiếp nhận khám chữa bệnh cho trên 250.000 lượt bệnh nhân, trong đó phẫu thuật trên 10.000 người, điều trị gần 25.000 người. Số bệnh nhân có BHYT đến khám tại bệnh viện trên 115.000 lượt mỗi năm.
Nhiều giải pháp
Không phải ngẫu nhiên, Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế lại thành công trong việc thu hút bệnh nhân BHYT. Trong bối cảnh người bệnh ngày càng quan tâm đến chất lượng khám dịch vụ hoặc khám tư vì nhiều lý do thì để tạo được lòng tin của bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT, Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế đã nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp.
Bệnh nhân chờ đến lượt làm thủ tục BHYT tại Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế
Một cán bộ đang công tác tại Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế cho biết, bệnh viện đã có nhiều giải pháp khắc phục tâm lý người bệnh khi chờ đợi, nhất là đề ra quy trình khám chữa bệnh đơn giản, thuận tiện cho bệnh nhân và có hướng dẫn, thông báo ở các khu vực dễ thấy khi bệnh nhân đến khám cũng như thông báo trên website của bệnh viện.
Việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng luôn được quan tâm. Trong lĩnh vực điều trị, khám chữa bệnh, Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế đã thực hiện đầu tư và triển khai nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến hiện đại, nhiều mũi nhọn chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị trong khu vực và cả nước. Đặc biệt có nhiều trung tâm, khoa, đơn vị mới hiện đại đứng đầu khu vực và cả nước: Trung tâm Nội tiết sinh sản và vô sinh, Trung tâm Nội soi tiêu hóa, Trung tâm Tim mạch, Đơn vị ngữ âm trị liệu… Những thành công và thuận lợi của mô hình bệnh viện - trường, nhất là cán bộ Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế tham gia nghiên cứu khoa học với nhiều công trình nghiên cứu chất lượng cao, chuyên môn sâu đã góp phần ứng dụng thực tiễn vào quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân, đặc biệt là các kỹ thuật cao, khó… tạo thêm uy tín, thương hiệu.
Theo đại diện lãnh đạo Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế, bên cạnh những giải pháp nâng cao đạo đức nghề nghiệp, hằng năm, luôn có cơ chế để các bác sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ đi học tập, tu nghiệp tại nước ngoài. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo cho cán bộ, viên chức về chuyên môn, chính trị, y đức, quy tắc ứng xử, đảm bảo phát huy năng lực cán bộ trong nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế cũng thường xuyên đón các đoàn chuyên gia nước ngoài về tham gia hỗ trợ khám chữa bệnh, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ y tế tại bệnh viện.
Bệnh viện cũng đẩy mạnh truyền thông về khám BHYT, xây dựng hạ tầng công nghệ, trong đó website của bệnh viện có mục để đăng các thông tin về khám BHYT, thủ tục và quyền lợi của người tham gia khám bệnh, chữa bệnh BHYT; tin tức, thông báo về khám BHYT… điều này giúp bệnh nhân hiểu hơn các thủ tục, vấn đề liên quan đến BHYT, giảm thời gian chờ đợi, làm thủ tục, qua đó tạo được lòng tin của người bệnh với bệnh viện.
Bài, ảnh: Hữu Phúc