ClockThứ Bảy, 17/10/2020 16:17

Thiện nguyện từ trái tim

TTH.VN - 231 triệu đồng đã được gửi đến đồng bào vùng lũ Hương Trà, Phong Điền theo một cách rất riêng và vô cùng ấm áp.

Hương Thủy: Các vùng thấp trũng đối diện nguy cơ tái chia cắtCậu bé chạy lũ

Nhiệm vụ từ xa

“Loan ơi chị mới chuyền nước tối qua giờ đỡ rồi”.

Không kịp cho tôi “ràm” một trận vì cái tội đau không lo ngồi một chỗ, chị tiếp lời, “chị hứa đi hết ngày ni chị ở nhà nhờ mấy cháu sinh viên đi giúp. Giờ đang đi giữa biển nước cứu trợ cho người dân, em ở nhà để ý điện thoại và cập nhật số tiền hỗ trợ giúp cho chị nghe, chị đi cả ngày ngoài ni máy gần hết pin mà mạng cũng yếu lắm”.

Các bạn trẻ đưa hàng vào tiếp tế cho người dân

Là nhiệm vụ chị giao lại cho tôi khi lên đường chuyển từng thùng mỳ, hộp sữa, chai nước đến đồng bào vùng lũ. Người chị tôi nhắc đến có tên facebook rất dễ thương Trân Béo Cún Tồ.

Người ốm yếu, đau hoài, chân bị tai nạn nên yếu lắm, lại vừa mới mổ cắt túi mật, bác sĩ dặn chị không thể ngâm nước hay đi lại nhiều, ấy vậy mà trong mấy ngày lụt lội, chị cứ chạy ngược chạy xuôi đến nỗi “đau mà chẳng dám rên sợ bị mắng”.

Câu chuyện từ học trò

Câu chuyện bắt đầu từ những ngày đầu mưa bão khi cô Hoàng Thị Thu Hiền, cựu giáo viên Trường chuyên Quốc Học Huế nay là cựu giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh nghe học trò ở Huế chia sẻ về những khó khăn của người dân vùng lũ. Câu chuyện người dân nhiều ngày liền không có gì ăn vì nước ngập sâu không thể nấu nướng, người dân cũng không có thói quen dự trữ lương thực, thực phẩm nên nguồn thực phẩm hầu như khan hiếm. Nước sạch cũng thiếu do không thể lấy được nước từ hệ thống cấp nước do nước đã ngập sâu, chạm vào nỗi nhớ Huế của cô giáo về hưu.

Nghe những lời đó, cô hứa chung tay cùng các bạn ở Huế kêu gọi giúp đồng bào. Sau một hồi suy nghĩ, cô quyết định đặt vé bay ra Huế trong sáng sớm 13/10 mặc dù người đang bệnh, bác sĩ cũng yêu cầu nhập viện. Cô ra Huế trong lặng lẽ, không dám báo với người thân sợ nếu gia đình biết sẽ cản. Đến lúc những hình ảnh đầu tiên của chuyến hỗ trợ được đưa lên, người thân đã gọi đến... cháy máy vì lo cho cô đã 60 tuổi rồi lại đang ốm… 

Theo chị Cún Tồ, khâu tìm hàng có lẽ là khó khăn nhất khi lúc này các kênh hỗ trợ bắt đầu mở, tập trung mua sắm hàng hóa chuyển đi viện trợ. Bằng tất cả mọi mối quan hệ, rồi chuyển tiền đặt hàng trước và chờ đợi. Cuối cùng hàng cũng có, cả đoàn lại bắt tay lên đường chuyển 1.360 thùng mỳ tôm; 200 thùng nước suối; 105 thùng sữa và hàng trăm quả trứng đã được trao đến cho người dân vùng Hương Trà, Phong Điền.

231 triệu đồng được trao đi như thế

Những món quà nhỏ lần lượt được chuyển đến người dân

Theo lời cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền, dự tính ban đầu của đoàn chỉ trao 30 triệu đồng cho khoảng 300 hộ dân vùng lũ thôn Đông Phú, xã Phong Bình, huyện Phong Điền. Tuy nhiên, trong thời gian có mặt ở Huế, rất nhiều mạnh thường quân đã hỗ trợ. Người thì cô ơi con gởi 500.000đ, bạn ơi mình 1 triệu, chị ơi em gởi chút nhé nhưng chị đừng đăng tên em. Cô ơi, chị tạm ứng trước cho con với, bạn ơi cho mình vay 2 triệu, cô ơi nhóm con hỗ trợ 5 triệu… Có em sinh viên còn nhịn ăn sáng gởi tới vài ba trăm ngàn. Kết thúc chương trình, nhóm cũng đã chuyển hơn 1.500 suất quà đến các hộ vùng lũ với hơn 231 triệu đồng.

Trên chiếc thuyền máy chòng chành, những bạn sinh viên của CLB Tình nguyện Blouse Xanh - Trường đại học Y Dược Huế và CLB Thanh niên Tuyên truyền - CĐ Công nghiệp Huế mặt thấm mệt nhưng tiếng cười vẫn rộn ràng. Bất kể nam, nữ, ai cũng xốc vác bưng từng thùng nước, thùng mỳ… lội nước bì bõm chuyển những phần quà xuống cho người dân đang ngập sâu.

Giữa mênh mông nước, nhiều hộ dân ngập sâu, thuyền chưa thể vào và người dân cũng không thể đến nhận vì không có ghe thuyền. Đoàn thực hiện phương án vừa trao trực tiếp cho từng hộ vừa tập trung một chỗ nhờ cán bộ phường xã và đại diện người dân ở đó trao lại cho đồng bào ngập sâu. 19h tối, các bạn sinh viên trẻ vẫn bì bõm khuân vác chuyển hơn 2 tấn hàng từ ghe vào điểm tập kết nhờ cán bộ xã trao lại cho người dân.

Đêm không điện, tiếng bì bõm ngày một nặng nề hơn, ánh sáng mập mờ từ những chiếc điện thoại sắp sập nguồn dù không đủ soi rọi gương mặt đã mệt lả, đói mệt sau mấy ngày di chuyển cứu trợ liên tục nhưng cũng đủ thấy được những nỗ lực mà các em đã và đang cống hiến.

Như chia sẻ của chị Cún Tồ, làm thiện nguyện đã ăn vô máu mình từ lâu nhưng chưa bao giờ có cảm xúc như những ngày này. Thương và lo nhất là hình ảnh những cậu ấm, cô chiêu của nhóm tình nguyện viên lăng xăng chạy tới chạy lui, lên xe xuống đò bưng vác từng thùng hàng... Các em đã thực sự có những trải nghiệm để sống tốt, hướng thiện hơn trong tương lai.

Cuối cùng thì chúng tôi đã có thể thở phào, “cám ơn trời đất, cả đoàn đã về nhà bình an!”.

Bài: Hoàng Loan; Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Trà, Hương Thủy
Nhiều hoạt động nhân Ngày hội Đại đoàn kết

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 và chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam được tổ dân phố (TDP) Giáp Trung, phường Hương Văn tổ chức sáng 3/11. Đây là địa phương đầu tiên của TX. Hương Trà tổ chức hoạt động ý nghĩa này trong năm nay.

Nhiều hoạt động nhân Ngày hội Đại đoàn kết
Cảnh giác, chủ động, không chủ quan

Bão số 6 (TRAMI) tạm biệt Philippines để vào Biển Đông và phăm phăm hướng về miền Trung nước ta. Là dân của xứ “trời hành cơn lụt mỗi năm”, lại vừa chứng kiến cơn bão Yagi tàn phá kinh hoàng các tỉnh phía bắc, nên từ trước đó nhiều ngày, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán về bão. Và hầu như ai cũng có smartphone nên vừa bàn tán, vừa mở mạng xem dự báo, đường đi của bão nó sẽ như thế nào.

Cảnh giác, chủ động, không chủ quan
Return to top