|
Lãnh đạo Trung ương, tỉnh động viên hộ nghèo ở A Lưới |
Còn nhớ, năm 2021, tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (GNBV) gắn với thực hiện NQ 04-NQ/TU, ngày 8/11/2016 của Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước; nhiệm vụ xóa nghèo cho hộ nghèo có thành viên hưởng chính sách người có công đến cuối năm 2020 chưa hoàn thành. Một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo…
Trước thực tế đó, Tỉnh ủy ban hành NQ11 - NQ/TU về GNBV giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều mục tiêu và chỉ tiêu phấn đấu. Theo đó, phải giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền. Hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới, hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã, thôn; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Sau NQ 11, Tỉnh ủy cũng ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 21/10/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác GNBV giai đoạn 2022-2025; HĐND tỉnh ban hành 6 NQ liên quan đến công tác giảm nghèo; UBND tỉnh cũng ban hành 10 quyết định về công tác này.
Dẫn các số liệu trên để cho thấy, hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện chương trình giảm nghèo đủ để bảo đảm công tác triển khai tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo được thông suốt, hiệu quả...
Vậy, kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo ra sao? Số liệu từ UBND tỉnh cho thấy, cuối năm 2022 toàn tỉnh có 11.735 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,56%, giảm 1,37% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2023, toàn tỉnh có 7.540 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 2,27%; giảm 1,29% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu đề ra…
Bên cạnh những NQ “cứng”, tỉnh cũng xây dựng chính sách đặc thù của địa phương, cụ thể đó là việc HĐND tỉnh ban hành NQ số 20/2023/NQ-HĐND ngày 21/8/2023 quy định các chính sách hỗ trợ GNBV trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025.
NQ 20/2023/NQ-HĐND một lần nữa được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình dẫn chứng để giải trình “chất vấn” về các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo của thành viên hội đồng thẩm định tại Hội nghị thẩm định công nhận huyện A Lưới, thoát khỏi huyện nghèo quốc gia vào ngày 4/6/2024 tại Hà Nội.
Bây giờ, hồ sơ đề nghị công nhận huyện A Lưới thoát nghèo đã được thông qua, đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng ký Quyết định số 576/QĐ-TTg công nhận 9 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; trong đó, Thừa Thiên Huế có 3 xã là: Điền Hương và Phong Chương thuộc huyện Phong Điền, xã Phú Diên thuộc huyện Phú Vang.
Các “điểm nhấn” đó cho thấy kết quả giảm nghèo tại Thừa Thiên Huế đang hái được quả ngọt. Dù vậy, trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện NQ số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2-2,2% thì còn nhiều việc phải làm. Đặc biệt là việc tiếp tục đưa NQ vào cuộc sống.
Thực tiễn hóa các NQ nghĩa là phải giải quyết những khó khăn thực tại. Đó là công tác triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV; giải quyết việc huy động nguồn lực tại chỗ để giảm nghèo ở địa phương; áp dụng các chính sách để giảm hơn nữa hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi các điều kiện khó khăn, thiếu việc làm lại tập trung vùng này; tạo ra nhiều mô hình hiệu quả để kéo thu nhập của hộ nghèo đi lên nhằm đáp ứng nhu cầu tối thiểu cuộc sống; hạn chế tối đa nguy cơ nguy cơ tái nghèo;…
Để làm được điều đó, quan trọng nhất vẫn là việc thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Theo đó, thực hiện cơ chế này thông qua dự án, tiểu dự án, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng; hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước, vốn vay ưu đãi, nguồn vốn lồng ghép thực hiện các chính sách, nguồn vốn đối ứng của hộ gia đình, phù hợp với từng dự án và điều kiện cụ thể của từng đối tượng được hỗ trợ nhằm nhân rộng dự án cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia.
Ngoài ra, cần xây dựng chính sách khuyến khích thoát nghèo trên cơ sở làm tốt công tác điều tra xác định hộ nghèo, hộ thoát nghèo bền vững và công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục để hộ nghèo tự nguyện đăng ký tham gia và tự lực, khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo; xây dựng cơ chế thực hiện mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn; ưu tiên đầu tư cho các hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo; sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, đầu tư có trọng điểm, không dàn trải, tập trung hỗ trợ tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao nhận thức, thay đổi cách làm ăn cùng với dạy nghề, truyền nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.
Xác định công tác GNBV đóng vai trò rất trọng, hàng tháng, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức giao ban đánh giá tình hình. Hiệu quả của việc vận dụng, áp dụng các NQ thời gian qua đang giúp các địa phương tìm được hướng đi đúng, và thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đã không còn xa.