Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 theo đúng đối tượng quy định để kịp thời thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội năm 2021
Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm xác định, lập danh sách, phân loại chính xác, đầy đủ số liệu, thông tin cơ bản về hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều để có cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp giảm nghèo và thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội trong năm 2021. Đồng thời, việc tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đúng quy trình và bộ công cụ quy định tại các thông tư, kế hoạch và dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp; giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và có sự tham gia của người dân, nhằm xác định đúng đối tượng.
Phạm vi rà soát thực hiện tại 145 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh và hoàn thành trước ngày 25/12/2020 để làm cơ sở thực hiện chính sách ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2021.
Đối tượng rà soát là toàn bộ gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, do UBND xã, phường, thị trấn đang quản lý. Một số hộ không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng có đơn đề nghị rà soát hoặc địa phương chủ động phát hiện thấy gia đình gặp khó khăn, biến cố rủi ro trong năm có khả năng rơi vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Những năm qua, kết quả giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm. Đầu giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 8,36%, đến cuối năm 2019 giảm xuống 4,17%. Kết quả này góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dự kiến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5%, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,67%.
Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch COVID -19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến đời sống Nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó thu nhập của người lao động và việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; hàng hóa của người lao động khó khăn trong tiêu thụ, giá cả giảm… Người nghèo và các đối tượng yếu thế cũng chịu tác động lớn không kém.
Trong tháng 10 và tháng 11, Thừa Thiên Huế cùng các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, mưa lũ…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, nhất là làm suy giảm, thiệt hại đến sản xuất, nuôi trồng và việc làm, thu nhập của người dân. Theo đánh giá, tổng giá trị thiệt hại của 3 đợt thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh là hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước những ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, dịch bệnh, yêu cầu đặt ra là kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải phản ánh đúng thực trạng đời sống của người dân, tuyệt đối không bỏ sót hộ nghèo, hộ cận nghèo; không chạy theo thành tích làm sai lệch thực trạng nghèo của địa phương. Cùng với đó không để xảy ra trường hợp hộ gia đình không thực sự nghèo, cận nghèo nhưng vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để trục lợi chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Để hướng tới thực hiện hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều đến năm 2025 còn 2,0% - 2,2%, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh cần sự thay đổi mạnh mẽ từ suy nghĩ và cách làm; đồng thời cần sự chung tay, sẻ chia của toàn hệ thống chính trị bắt đầu từ việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm từ cấp cơ sở.
Bài, ảnh: Xuân Nguyên