ClockThứ Ba, 21/06/2022 07:00

Báo chí Huế cần đầu tư và thích ứng với môi trường làm báo hiện đại

TTH - Giải Báo chí Hải Triều của Thừa Thiên Huế đã bước sang năm thứ 3 với những thành công cả về quy mô và chất lượng. Để có cái nhìn khách quan về đời sống báo chí Huế qua những tác phẩm tham gia Giải Báo chí Hải Triều, Báo Thừa Thiên Huế đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm báo, thành viên Ban Giám khảo.

Diễn đàn cách mạng đanh thép giữa lòng kinh đô HuếNhà báo HuếBáo Thừa Thiên Huế đoạt hai giải tại "Giải Báo chí toàn quốc về Phòng chống thiên tai"

PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi

Là người tham gia chấm Giải Báo chí Hải Triều lần thứ III, ông có nhận xét gì về chất lượng các tác phẩm lần này?

Các tác phẩm dự Giải Báo chí Hải Triều lần thứ III đã bám sát các chủ đề lớn từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 đến các mặt khác của đời sống xã hội, có thể khái quát một số mảng đề tài nổi bật như: Triển khai thực hiện Nghị quyết  Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025; vấn đề đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, hướng tới mục tiêu duy trì tăng trưởng và phục hồi kinh tế; công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tuyên truyền gương người tốt việc tốt; công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững v.v..

Một số tác phẩm được đầu tư tương đối công phu thể hiện sự dấn thân, có tính phát hiện của các tác giả, nhóm tác giả. Chất lượng các tác phẩm dự Giải năm nay tương đối tốt, khá đồng đều, phản ánh khá toàn diện các mặt đời sống của xã hội, trong đó có nhiều đề tài thời sự “nóng” được đề cập, cho thấy sự hiện diện của báo chí Huế trong tất cả các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Cách tổ chức và triển khai các tuyến tin, bài cũng chặt chẽ, bài bản hơn. Một số tác phẩm dài kỳ có sự đầu tư công phu cho thấy sự đeo bám chủ đề tới cùng của tác giả. Có nhiều đề tài mang tính phát hiện, chuyên sâu, độc đáo, thể hiện cái nhìn riêng của tác giả, có giá trị tốt đối với sự phát triển của địa phương.

Góc nhìn của ông về tác nghiệp báo chí ở Huế qua Giải Báo chí Hải Triều mà ông là thành viên Ban Giám khảo?

Các tác phẩm dự giải gồm các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh và ảnh báo chí. Thể loại khá đa dạng, gồm: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, phóng sự, phóng sự điều tra... Có nhiều loạt bài có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện sinh động, thu hút được sự chú ý của Hội đồng Giám khảo. Một số tác phẩm tham dự Giải tiếp tục được đầu tư công phu, kỹ lưỡng, bảo đảm tính chính xác, có tính thuyết phục cao. Các tác phẩm đoạt giải là những tác phẩm tiêu biểu, phản ánh toàn diện tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an sinh xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, an ninh quốc phòng của tỉnh Thừa Thiên Huế, có tính định hướng dư luận xã hội. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, tác động xã hội tốt, được dư luận đánh giá cao.

Lãnh đạo tỉnh trao Giải Báo chí Hải Triều lần thứ III - năm 2022 cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: NGỌC MINH

Điểm khá nổi bật và ấn tượng là Báo Thừa Thiên Huế đã có nhiều đầu tư, xây dựng chiến lược rất bài bản trong việc tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí đa phương tiện, từ ý tưởng đề tài đến cách thể hiện theo dạng thức longform, emagazine… làm tăng thêm tính hấp dẫn, sinh động và sức lan tỏa của các tác phẩm báo chí, từ đó, đề xuất giải pháp hoặc câu trả lời cho các vấn đề được đưa ra, khẳng định vai trò và vị thế của báo chí trong đời sống xã hội.

Theo ông, báo chí Thừa Thiên Huế (nhìn từ giải Hải Triều lần này) đang đứng ở đâu trong dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam?

Nhiều năm làm giám khảo Giải Báo chí Quốc gia và các giải chuyên ngành khác, tôi luôn có ấn tượng với các tác phẩm báo chí của các đồng nghiệp Huế. Nhiều tác phẩm báo điện tử được đầu tư rất công phu, chặt chẽ, có chiến lược truyền thông khá bài bản. Điều quan trọng là một số tác phẩm được trình bày khá ấn tượng, sử dụng tốt công nghệ truyền thông hiện đại trong tác nghiệp báo chí.

Nếu so với mặt bằng chung, Báo chí Huế có thể đứng ở tốp đầu trong các báo địa phương hiện nay, bởi đây là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng, đời sống báo chí khá đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, để phát triển trong tương lai, Báo chí Huế cần đầu tư và thích ứng với môi trường làm báo hiện đại, ứng dụng công nghệ truyền thông trong tác nghiệp báo chí, xây dựng các tuyến bài chuyên sâu như vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gia tăng thêm số lượng tin, bài bình luận và có góc nhìn riêng biệt, nhất là có tính dự báo chuyên sâu, tạo hiệu ứng xã hội cao, giúp chính quyền địa phương điều chỉnh các quyết sách phù hợp với thực tiễn.

Điều quan trọng hơn, từ lãnh đạo đến phóng viên, biên tập viên cần thay đổi tư duy làm báo, không chỉ quá chú trọng phát triển công nghệ làm báo, mà cần xác định giá trị cốt lõi của báo chí, đó là nội dung là “vua”, công chúng là số 1.

Xin cảm ơn ông!

ĐẶNG THÀNH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đột phá trong thu hút đầu tư

Nhiều dự án nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đã khẳng định vị thế của Thừa Thiên Huế. Chưa bàn đến chuyện “xoay chuyển tình thế” trong việc sẽ tạo ra các giá trị cao, song các dự án đó minh chứng, tỉnh đã có bước đột phá trong thu hút đầu tư.

Đột phá trong thu hút đầu tư

TIN MỚI

Return to top