ClockThứ Bảy, 18/06/2022 06:15
KỶ NIỆM 85 NĂM SÔNG HƯƠNG TỤC BẢN RA SỐ ĐẦU TIÊN TẠI HUẾ (19/6/1937 – 19/6/2022)

Diễn đàn cách mạng đanh thép giữa lòng kinh đô Huế

TTH - Cuối tháng 3/1937, tuần báo Nhành Lúa do Hải Triều làm Tổng Thư ký Tòa soạn bị chính quyền cai trị ra lệnh cấm phát hành, Tỉnh ủy Thừa Thiên và Xứ ủy Trung kỳ không còn báo chí trong tay để làm vũ khí đấu tranh “hợp pháp” giữa lúc các lực lượng dân chủ đang ráo riết chuẩn bị người tham gia tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ. Cũng vào lúc này, tuần báo Sông Hương của ông Phan Khôi tự ngưng phát hành vì “tài chánh quẫn bách”.

Báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong dòng chảy báo chí Cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên HuếNhành Lúa với những ưu việt trong hoạt động báo chíPhát huy giá trị của báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn

Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên chủ trương phải mua lại tờ Sông Hương để ra báo “hợp pháp” mà khỏi cần xin phép chính quyền. Thông qua ông Phan Thao, một nhà báo theo xu hướng cộng sản và là con trai của ông Phan Khôi giới thiệu, tờ Sông Hương được chuyển qua tay những người cộng sản với “năm mươi đồng”, thời giá do đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ trực tiếp làm Chủ bút.

Ngày 19/6/1937, Sông Hương bộ mới ra số 1. Vẫn lấy tên là Sông Hương, nhưng để bạn đọc khỏi hiểu lầm, trên măng sét được thêm hai từ Tục bản (thành Sông Hương Tục bản) và chạy dòng chữ “Thư và mandat gửi về Phan Đăng Lưu”, nhưng để giữ thế hợp pháp nên vẫn ghi tên “người sáng lập Phan Khôi”. Nhà báo cách mạng Nguyễn Cửu Thạnh làm chủ nhiệm kiêm quản lý.

Sông Hương Tục bản do đồng chí Ngô Đức Mậu, một cựu tù chính trị từng bị giam ở Lao Bảo, lúc này đang hoạt động ở Nghệ An đứng chân Thư ký Tòa soạn. Trước khi Sông Hương chuyển nhượng cho những người cộng sản tòa soạn đóng ở 96 đường Gia Hội (nay là Chi Lăng), sau chuyển qua 68 rue Jules Ferry, đúng địa điểm là một cơ sở bí mật của Đảng – nay là đường Lê Lợi, phía đối diện với Khách sạn Hương Giang.

Nội dung chính của Sông Hương Tục bản do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo, với sự cộng tác tích cực của nhà giáo Tôn Quang Phiệt; viết và biên tập bài vở ở Huế rồi chuyển ra Vinh, giao cho đồng chí Ngô Đức Mậu sắp xếp, trình bày, viết thêm vài cái tin ngắn và in ở nhà in Vương Đình Châu.

Cũng như Nhành Lúa, tham gia Ban biên tập Sông Hương còn có những nhà báo cộng sản như Hải Triều, Hải Thanh, Trịnh Xuân An… Báo in xong phát hành ngay tại Vinh, một số đưa ra Hà Nội, một số chuyển về Huế và các tỉnh lân cận theo hình thức ngụy trang rất bí mật.

Kế tục tính chiến đấu của Nhành Lúa và các tờ báo cách mạng khác trước đó, ngay số đầu tiên, nhân cuộc bầu cử dân biểu sắp đến gần, Sông Hương Tục bản đăng bài: “Nhìn lại các cuộc tuyển cử vừa rồi ở trong nước và ngoài nước”. Ở số 2, Sông Hương Tục bản mở cuộc thi “Cho mọi người ai cũng được dự. Không phân biệt người ấy là độc giả báo Sông Hương hay không. Không cần biết người ấy có quyền bỏ thăm đúng luật nước nhà hay không”. Miễn là kể ra được “ba ông danh tiếng tốt, và ba ông có danh tiếng xấu”, mà đề thi ra: “Những ông nghị nào đáng được cử. Những ông nghị nào không đáng được cử”. Và nói rõ quan điểm: “Chúng tôi ủng hộ hạng nào? Chúng tôi không ủng hộ hạng nào?”.

Liên tục mấy số liền, Sông Hương Tục bản đều có bài viết vận động bầu cử. Ở số 6, Sông Hương Tục bản trình bày khá hệ thống yêu cầu đối với Chính phủ và nghị viện “Không cho dân dùng lá thăm của họ, tức là Chính phủ chống với ý muốn của dân, đi trái với lợi ích của dân”. Ở mục “Chương trình chúng tôi” lại nêu rất kỹ về các mục “Thỉnh cầu về mặt chính trị”, “Về mặt xã hội”, “Thái độ và tư cách các ông nghị viện”. Sông Hương Tục bản còn có mục “Chiếu điện”, đả kích trực diện những kẻ “tai to mặt lớn” có “nhiều năm làm quan nghị”, “đắc cử nhiều khóa, ra vào quan Thượng, quan Khâm như đi chợ” mà không đóng góp được gì cho dân cho nước.

Kết quả cuộc bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1937, hầu hết những kẻ bị Sông Hương Tục bản đả kích, tẩy chay đều không trúng cử, những người được Mặt trận Dân chủ ủng hộ đưa ra tranh cử như Thừa Thiên có Nguyễn Đình Diễn; Quảng Bình có Nguyễn Xuân Các; Thanh Hóa có Nguyễn Đan Quế… hoàn toàn thắng lợi.

Sau cuộc bầu cử, Sông Hương Tục bản lại tiến quân vào chuẩn bị đấu tranh nghị trường, nhân danh thanh niên, trí thức, lao công Huế chuyển “Bức thư công khai kính gởi các ông dân biểu Trung Kỳ họp kỳ Hội đồng thứ nhất, khóa dân biểu 1937 - 1940”, “Dư luận đối với kỳ Hội đồng dân biểu”, “Chương trình hành động của ông nghị Huỳnh Văn Trân, Bình Định”, một thành viên của Mặt trận Dân chủ, là phương hướng, nhiệm vụ hành động mà quần chúng nhân dân và cử tri đòi hỏi “các nghị viên”, tạo chỗ dựa cho các nghị viên dân chủ đấu tranh với các thế lực phản động.

Gần như mỗi số Sông Hương Tục bản đều đả kích dữ dội vào đám người hám danh, trục lợi. Ông Lê Thanh Cảnh là người bị mũi nhọn chính chĩa vào, đã vin cớ ấy kiện Sông Hương Tục bản. Tòa Khâm sứ Huế gọi Chủ nhiệm Nguyễn Cửu Thạnh lên “cảnh cáo”, yêu cầu phải thay đổi thể tài. Để giữ cho tờ báo hoạt động, Sông Hương Tục bản tạm ngưng đề tài tranh cử nghị viện, liên tiếp sau đó Sông Hương Tục bản đăng bài “Văn học và chủ nghĩa duy vật” của Hải Triều; được ba số lại quay về bàn chuyện nghị trường, dân chủ…

Sông Hương Tục bản ra đời trong thời gian có cuộc đình công lớn của công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi, Nghệ An, đã kịp thời phản ảnh tin tức, vạch tội chủ tư bản áp bức bóc lột, cổ vũ công nhân đấu tranh, chống đàn áp. Về quốc tế, Sông Hương Tục bản lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chống phát xít của nhân dân Tây Ban Nha và đưa tin về hội nghị quốc tế các nhà văn ủng hộ nhân dân Tây Ban Nha, lên án Tơrốtsky và Ăngđơrê Giđơ.

Vì tính chiến đấu trực diện vào chế độ thực dân, Sông Hương Tục bản vừa trình làng được 14 số thì bị đình bản vào ngày 14/10/1937. Khi biết chắc báo sẽ bị cấm phát hành, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phan Đăng Lưu, các nhà báo cộng sản nhanh chóng tổ chức bài vở để ra số một số phụ trương, với đầy đủ các mục và số trang tương tự số báo chính, phát hành cùng ngày của số 14 đã bị đình bản để đăng Dư luận đối với kỳ Hội đồng dân biểu sắp tới; Tin tức trong xứ; Bức tối hậu thư cho các ông nghị… Như vậy, kể cả phụ trương, có thể xem Sông Hương Tục bản ra được 15 số. Đây là sự linh hoạt, ứng phó kịp thời của nhà báo Phan Đăng Lưu trong chỉ đạo báo chí dười thời thực dân kiểm soát.

Sông Hương Tục bản là tờ báo cách mạng được nhà yêu nước Phan Bội Châu thường tìm đọc. Bài thơ được cụ Phan làm trên con thuyền giữa dòng sông Hương sau đây đã nói lên điều đó:

Đọc báo Sông Hương (trích)

II

Này Ngự Bình sơn bạn với ai?

Ừ Hương Giang đó kết thành đôi

Sau ma bệnh dứt thơ đương hứng,

Trước chúa Xuân về rượu chửa vơi!

Dì gió đa tình đưa khách tới,

Nàng Trăng vô cớ chét mình ngồi.

Sông Hương chữ với Sông Hương nước,

Lơ lửng trên thuyền giở báo coi.

Tuy chỉ tồn tại trong 4 tháng (từ 19/6/1937 đến 14/10/1937) Sông Hương Tục bản là tờ báo cách mạng hoạt động công khai giữa lòng Kinh đô Huế thuở còn vua. Sông Hương đã làm tròn nhiệm vụ cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên và Xứ ủy Trung Kỳ, đã tuyên truyền vận động, giác ngộ quần chúng thực sự có hiệu quả, góp phần đáng kể vào thời kỳ đấu tranh nghị trường ở Huế và Trung Kỳ năm 1937.

Kỷ niệm ngày Sông Hương Tục bản ra số đầu tiên tại Huế nằm trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng năm nay, thêm một lần nữa chúng ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân các thế hệ nhà báo tiền bối cách mạng Việt Nam.

Bài, ảnh: Dương Phước Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên làm báo

Với sức trẻ, nhiệt huyết, nhiều sinh viên tại Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế đã trở thành những cộng tác viên (CTV) thường xuyên, đắc lực cho nhiều tờ báo.

Sinh viên làm báo
Nghề báo & sự bình tĩnh

Trong đời làm báo, chắc hẳn các đồng nghiệp cũng như tôi sẽ có không ít chuyện buồn vui. Việc tác phẩm của mình được độc giả đón nhận với thái độ khen, chê - âu cũng là chuyện thường tình. Điều đáng nói, bài báo viết ra đóng góp được gì cho xã hội và được dư luận quan tâm...

Nghề báo  sự bình tĩnh
Báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong dòng chảy báo chí Cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế

LTS: Hôm nay (12/4), tại TP. Huế diễn ra Hội thảo khoa học “Vai trò chủ đạo của Tuần báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) ở Thừa Thiên Huế”, Báo Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu bài viết của ông Hoàng Khánh Hùng, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về vai trò của tuần báo này trong dòng chảy báo chí Cách mạng Việt Nam.

Báo Nhành Lúa và Kinh tế Tân văn trong dòng chảy báo chí Cách mạng Việt Nam ở Thừa Thiên Huế
Vai trò chủ đạo của Báo Nhành lúa và Kinh tế tân văn trong Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939) ở Thừa Thiên Huế

Sau ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đặc biệt là trong giai đoạn Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 – 1939), để giữ thế đấu tranh hợp pháp, Đảng chủ trương bằng mọi giá “các cấp bộ đảng” phải có báo chí trong tay làm cơ quan ngôn luận, biến cơ quan này thành vũ khí đấu tranh cách mạng.

Vai trò chủ đạo của Báo Nhành lúa và Kinh tế tân văn trong Mặt trận dân chủ Đông Dương 1936-1939 ở Thừa Thiên Huế

TIN MỚI

Return to top