ClockThứ Ba, 22/12/2015 15:02

Bẫy chuột bằng điện, hậu quả đau lòng

TTH - Biết bẫy chuột bằng điện là rất nguy hiểm, nhưng ông L.T.M (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà) vẫn diệt chuột thuê bằng cách này. Dù quá trình bẫy, ông M. và người nhà thay nhau canh gác, nhưng tai nạn vẫn xảy ra khiến một bé trai 14 tuổi thiệt mạng tức tưởi. Ông M. “đối mặt” với 360 ngày tù, trong lúc 5 đứa con đang ở tuổi đi học. Nhưng điều đó “chưa là gì” so với nỗi đau “chết lên chết xuống” của cha mẹ, gia đình nạn nhân.

Hôm xảy ra sự việc, ông M. đang đặt bẫy chuột bằng xung điện (tự chế) tại ruộng của một người dân trong xã (trước đó ông từng làm với giá 50.000 đồng/1 lần diệt chuột). Biết nguy hiểm, quá trình bẫy ông M. ngồi canh gác. Đến chập tối, con gái ông M ra gác thay cho cha về nhà ăn cơm. Thời gian này, nạn nhân chạy xe ngang qua, không may ngã xuống ruộng, bị điện giật bất tỉnh. Dù được đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu, nhưng nạn nhân vẫn không qua khỏi.

Sau phiên tòa sơ thẩm, trong thời hạn 15 ngày theo quy định của pháp luật, ông M. gửi đơn kháng cáo đến TAND thị xã Hương Trà xin được hưởng án treo và xin giảm số tiền bồi thường (trước đó ông M. thỏa thuận với gia đình nạn nhân bồi thường các khoản mai táng, tổn thất tinh thần... tổng cộng 154 triệu đồng). Mưa lướt thướt khiến không khí trong ngôi nhà có người “chờ đi tù” càng thêm buồn bã. Tâm trạng ai nấy lo lắng bồn chồn. Trên tấm bạt ố vàng trải giữa nhà, vợ chồng ông M. uể oải ngồi bó gối. Ông M. kể trước đây, ngoài công việc làm nông, thời gian còn lại ông tranh thủ chạy xe máy thồ. Khi xe quá cũ ông bán lấy tiền mua chiếc ba gác, kéo hàng thuê. Việc diệt chuột thuê thỉnh thoảng ông mới làm.

Không ngờ hậu quả lại đau lòng đến vậy. Đứa trẻ 14 tuổi, đang học lớp 8 bị mất đi mạng sống một cách tức tưởi. Ông M. phải ra trước vành móng ngựa, bị phạt 1 năm tù về tội “vô ý làm chết người”. Ông M. than vợ chồng làm nông, vợ ông “phơi lúa còn chưa khén”, một mình ông là trụ cột gia đình nuôi 5 con còn đang đi học. 3 đứa lớn học đại học, 1 đứa học Trường Quốc Học và đứa út đang học lớp 8. Con cái học giỏi vậy, nhưng nếu ông đi tù, đường học hành của “chúng nó” e rằng gãy giữa chừng. Đó là điều khiến người làm cha đau lòng nhất. Cũng vì mong “thoát” vòng lao lý, được ở nhà nuôi con tiếp tục ăn học, nên ông thỏa thuận sẽ bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 154 triệu đồng (ông M. chưa bồi thường số tiền nêu trên cho gia đình nạn nhân). Ông M. bảo không ngờ khi ra tòa, cha mẹ nạn nhân lại không “xin” cho ông một tiếng, lại yêu cầu tòa xử theo pháp luật. Người vợ ngồi lặng lẽ. Ông M. liên tục thở dài.

Góc phố, nơi gia đình nạn nhân thuê vừa làm nơi sửa điện thoại kiếm kế sinh nhai vừa làm nơi trú ngụ, vợ chồng anh H. (cha mẹ nạn nhân) như người mất hồn. Hàng xóm ai cũng bảo, từ ngày con thiệt mạng, người mẹ già đi cả chục tuổi, còn mái tóc của người cha đang đen, bỗng đổ bạc. Mẹ nạn nhân rơi nước mắt kể, con trai mất vợ chồng chị “chết lên chết xuống”, đã vậy nhà cũng không có để đưa con về. Gia đình chị phải làm đám tang cho con tại nhà ông bà nội cháu. Mỗi lần thắp hương lên bàn thờ nơi đặt di ảnh con trong góc nhà thuê nhỏ xíu, vợ chồng anh H. lại đứt gan đứt ruột. “Cháu ngoan ngoãn nên bạn bè quý lắm, đi học về thường ghé đến thắp hương. Nhìn các cháu ấy lại nhớ con, thương con, đau lòng không chịu nổi. Từ khi con mất đến giờ, ngày nào vợ chồng tui cũng thay nhau lên mộ thăm, để vong linh con phần nào đỡ cô đơn lạnh lẽo...”. Người mẹ đau khổ tâm sự, đã mất con, vợ chồng chị còn ôm nợ vì phải vay mượn tiền chạy mua đất mai táng... Chị buồn bã bảo, ấy vậy mà gia đình bị cáo không hề nghĩ đến nỗi đau, mất mát không gì đo đếm được của những người cha người mẹ mất con một cách tức tưởi như vợ chồng chị, chỉ chăm chăm làm cách nào “chữa cháy” để khỏi đi tù. “Bây giờ tòa phạt 1 năm tù, “bên đó” chây ì không giao tiền bồi thường đúng thời gian như thỏa thuận. Họ bảo họ còn phải đất bán nhà mới có tiền. Họ còn có đất có nhà để bán chứ vợ chồng tui không nhà không đất, phải vay mượn mà lo hậu sự cho con. Sao họ không nghĩ đến điều đó”. Mẹ nạn nhân còn ấm ức cho rằng thời gian mấy năm qua nạn dùng điện diệt chuột dẫn đến nhiều cái chết thương tâm trên địa bàn tỉnh, bị pháp luật cấm. Vậy nhưng chính quyền địa phương xã buông lỏng tuyên truyền quản lý, để tồn tại tình trạng người thuê và người bẫy điện diệt chuột thuê, vi phạm pháp luật, gây ra hậu quả quá nặng nề.

Ý kiến của mẹ nạn nhân hoàn toàn có cơ sở. Chính quyền địa phương cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của mình trong vấn đề nêu trên, đồng thời có biện pháp tuyên truyền, xử lý nghiêm những người vi phạm, tránh tiếp tục để xảy ra những vụ án đau lòng.

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cựu chiến binh TP. Huế tham gia chống rác thải nhựa

Với sự hỗ trợ từ Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF – Việt Nam), các hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) TP. Huế chung tay thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa.

Cựu chiến binh TP Huế tham gia chống rác thải nhựa
Sạch từ đường làng, ngõ xóm xuống biển

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, cộng đồng trách nhiệm vì một Huế xanh - sạch - sáng, thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể, đơn vị của huyện Phú Lộc đã và đang cộng đồng trách nhiệm để cùng làm sạch các tuyến đường, bờ biển và nhân rộng các mô hình, hoạt động thiết thực.

Sạch từ đường làng, ngõ xóm xuống biển
Bảo vệ sức khỏe người lao động mùa nắng nóng

Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động (NLĐ) trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, các cấp công đoàn đã chủ động tham mưu, phối hợp với doanh nghiệp (DN) triển khai nhiều biện pháp giúp NLĐ đối phó với nắng nóng.

Bảo vệ sức khỏe người lao động mùa nắng nóng

TIN MỚI

Return to top