ClockThứ Hai, 16/09/2019 05:45

Tôn trọng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp

TTH - Quan hệ quốc tế giữa các nước là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt nước lớn, nhỏ, không phân biệt chế độ chính trị. Những hành động của Trung Quốc hiện nay đã tạo nên bất ổn trên Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Đó là hành động không thể chấp nhận trong tình hình hiện nay.

Chặn đứng âm mưu độc chiếm biển ĐôngViệt Nam nắm công lý trên hồ sơ Biển Đông, Trung Quốc thì không!

Hải quân nhân dân Việt Nam tuần tra chung trên biển. Ảnh: baomoi.com

1. Quan hệ giữa các nước trên thế giới được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc (HCLHQ), Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế giữa các quốc gia. Trong đó quy định sự tin tưởng, không bội ước khi đã ký kết, thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế. Đây được xem như đánh giá uy tín, danh dự của các quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Một trong những nguyên tắc cơ bản của HCLHQ là giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng giải pháp hòa bình, thể hiện trong điều 1, 2 và điều 33. Các nước tham gia Hiến chương đã chấp nhận nguyên tắc này như một giải pháp tối ưu cho hòa bình, ổn định. Hội đồng Bảo an giải thích rõ trong Tuyên bố năm 1970 và được tất cả các quốc gia công nhận như là một tập quán quốc tế. Các hiệp hội khu vực (như ASEAN), hiệp hội quốc tế đều lấy nguyên tắc này làm nguyên tắc cơ bản khi hình thành các tổ chức. Nội dung nguyên tắc có 4 điểm chính, trong đó có “nghĩa vụ hạn chế hành động có thể làm xấu đi tình hình, gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh quốc tế, phải hành động theo cách thức phù hợp với mục đích và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc”. Văn bản này còn chỉ rõ thêm về giải pháp đàm phán, thương lượng hòa bình được đặt lên hàng đầu nhằm tạo hiểu biết, cơ hội ổn định và hạn chế sử dụng vũ lực với nhau. Các quốc gia thể hiện thiện chí và tuân thủ các quy định theo cách thức không làm phức tạp hay mở rộng tranh chấp. Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế đã xác định: “Những tranh chấp về các điều ước, cũng như tranh chấp quốc tế khác, phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình và phù hợp với những nguyên tắc công lý, nguyên tắc của pháp luật quốc tế”.

2. Việt Nam và Trung Quốc là 2 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc còn là Thường trực Hội đồng Bảo an nên lại càng phải tuân thủ nguyên tắc này. Về vấn đề liên quan Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Các bên khẳng định tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và “cam kết giải quyết các tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn, đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”. Năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản giải quyết những vấn đề trên biển giữa 2 nước. Tuyên bố chung về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 15/10/2011 đã nhấn mạnh: “Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ 2 Đảng, 2 nước. Xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Những lần gặp nhau của lãnh đạo cao nhất hai nước đều nhấn mạnh đến việc nghiêm túc tuân thủ một cách toàn diện, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, hướng đến xây dụng nguyên tắc COC. Những nội dung này đã được nhắc lại nhiều lần trong các văn bản ngoại giao của 2 nước. Mặc dù các tuyên bố chỉ mang ý nghĩa chính trị, không có tính tài phán, nhưng khi các bên đã ký kết là thể hiện uy tín song phương, tôn trọng điều ước đối ngoại quốc tế.

3. Tuy nhiên, dù được xác định là “láng giềng hữu nghị”, nhưng Trung Quốc đã quá nhiều lần bội tín trong thỏa thuận các vấn đề. Đỉnh cao là gây chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979, diễn biến tranh chấp kéo dài hơn 10 năm sau đó. Trung Quốc đã xâm chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa, trước đó là đánh chiếm Hoàng Sa từ năm 1974. Gần đây là hành động cắt cáp viễn thông tàu Bình Minh (2012); đâm chìm tàu cá ngư dân, đưa giàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng biển thềm lục địa (5/2014), khủng bố giàn khoan các nước liên doanh với Việt Nam (năm 2017)…

Hiện tại, Trung Quốc đang đưa tàu thăm dò HD 8 với sự hộ tống của tàu quân sự xâm nhập trái phép bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng ta đã nhiều lần tuyên bố, gửi công hàm phản đối và khẳng định chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Phía Trung Quốc vẫn ngang nhiên công bố đó là vùng biển tranh chấp trong đường lưỡi bò do họ đơn phương đưa ra. Các nước lớn như Mỹ, Ấn độ, Úc … đã ra tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền các nước vùng Biển Đông. Gần đây, các nước Anh, Pháp, Đức đã ra tuyên bố chung phản đối nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ, tiếp tục cố tình gây phức tạp thêm. Hành động của Trung Quốc không những xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam và các nước trong khu vực mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình an ninh hàng hải, hàng không, an ninh trên Biển Đông. Những hành động đó đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, Điều ước quan hệ quốc tế và phán quyết của Tòa án quốc tế. Chúng ta tôn trọng, chấp hành luật pháp quốc tế, những cam kết với các nước trong những vấn đề phức tạp, nhưng không chịu bị chèn ép, đánh đổi “hữu nghị viển vông”.

NGUYỄN PHƯỚC AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng dân sinh. Điều đáng mừng, TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương trả lời thấu đáo cũng như triển khai khắc phục.

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Kế hoạch hành động cấp cao đầu tiên để giải quyết khan hiếm nước, suy thoái đất

Lần đầu tiên, Diễn đàn Đất và Nước quốc tế được tổ chức từ ngày 9 - 11/12 tại Bangkok (Thái Lan), vạch ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu trong việc quản lý tình trạng khan hiếm nước và đảo ngược tình trạng suy thoái đất, đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sức khỏe môi trường toàn cầu.

Kế hoạch hành động cấp cao đầu tiên để giải quyết khan hiếm nước, suy thoái đất

TIN MỚI

Return to top