Ông Hoàng Trọng Xuyến, Trưởng thôn Hải Phú lo lắng: “Tình trạng biển xâm thực như hiện nay đã đe dọa đến cuốc sống của người dân”.
Ông Hoàng Trọng Xuyến, Trưởng thôn Hải Phú cho biết: “Trước đây từ nhà tui ra bờ biển khoảng 200 mét, nhưng do biển xâm thực hằng năm, nên nay chỉ còn 80 đến 100 mét. Lúc đầu người dân không để ý, nhưng qua mấy trận mưa bão vừa rồi họ mới hốt hoảng khi thấy biển xâm thực nhanh”.
Việc biển xâm thực, tiến sát đến khu dân cư, có nhà chỉ cách bờ biển chừng 30 đến 40 mét khiến người dân bất an. Tuyến đường bê tông chạy dọc bờ biển cũng đã bị cát biển vùi lấp. người dân Phong Hải không sao quên được cơn bão dữ năm 1985. Mưa và sóng biển lớn kéo đổ sập 3 dãy nhà của những hộ dân sống gần bờ biển thôn Hải Thành và Hải Nhuận. Từ đó đến nay mỗi năm khi mùa mưa bão đến, biển lại xâm thực từ 4 đến 5 mét, đe dọa cuộc sống của những hộ dân sinh sống gần đó. Các trận mưa bão từ tháng 9, 10 và đầu tháng 11 vừa qua gây sạt lở do nước biển xâm thực càng nghiêm trọng hơn.
Ông Trương Sâm, trú thôn Hải Thành – một trong những hộ dân bị biển xâm thực gây sập nhà chia sẻ: “Gia đình tui đã chuyển lên khu vực đường liên thôn Hải Thành, Hải Nhuận và Hải Thế làm lại nhà mới, ổn định cuộc sống. Đây là khu vực cao, xa biển, nên đỡ lo lắng hơn mỗi khi mùa mưa bão đến”. “Trước tình trạng biển xâm thực, bà con ngư dân chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền địa phương có phương án sớm di dời dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản”, ông Trần Chống, Trưởng thôn Hải Nhuận cho biết.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 điểm sạt lở do nước biển xâm thực, với tổng chiều dài 170 km, tập trung chủ yếu ở các xã: Phong Hải (Phong Điền); Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền); Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Thuận An (Phú Vang); Vinh Hải (huyện Phú Lộc).
|
Từ thực tế và trước những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân, nghị quyết HĐND xã Phong Hải đã đưa vấn đề di dân vùng biển có nguy cơ xâm thực cao vào chương trình trọng điểm cần sớm thực hiện. “Với 143 hộ này, xã đưa vào ở hai khu tái định cư Hải Thành và Hải Nhuận. Tuy nhiên, một số hộ vẫn chưa vào ở, xã sẽ tiếp tục vận động. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, kinh phí nhiều, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, lãnh đạo xã cũng đã kiến nghị, với mong muốn tỉnh, huyện, sớm có ý kiến để triển khai phương án xây dựng đê bao chống triều cường, khắc phục tình trạng nước biển xâm thực hàng năm”, ông Phan Khánh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Hải đề xuất.
ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “biển xâm thực không chỉ xảy ra ở Phong Hải mà dọc các địa phương ven biển của tỉnh. Phong Hải đã có khu tái định cư, người dân dọc biển cần sớm ổn định cuộc sống. Riêng xây dựng đê bao chống triều cường dọc bờ biển kinh phí lớn, nên huyện đề xuất với Trung ương để xin hỗ trợ nguồn kinh phí mới thực hiện được. Dự kiến giữa tháng 12 này, những ý kiến, kiến nghị của cử tri sẽ được giải đáp tại kỳ họp HĐND huyện”.
Bài, ảnh: Anh Phong