ClockChủ Nhật, 01/05/2016 06:41

Bỏ ngỏ khám bệnh nghề nghiệp

TTH - Có không ít lao động làm ở các ngành xây dựng, cơ khí và khai thác mỏ thường xuyên tiếp xúc với môi trường làm việc bụi bặm, nóng bức, tiếng ồn vượt mức cho phép. Song, số doanh nghiệp thực hiện công tác đo môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động còn hạn chế.

Đo thính lực cho người lao động ở xã Quảng Công (Quảng Điền)

Doanh nghiệp chưa quan tâm

Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh nghề nghiệp được phát hiện. Thế nhưng, các doanh nghiệp khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp vẫn còn rất ít, chủ yếu là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như không thực hiện. Anh Trần Ngọc Minh, tuổi đời còn khá trẻ nhưng phải sống chung với chứng điếc tai khó chữa. Từ Quảng Bình vào Huế làm công nhân cơ khí khoảng chừng 5 năm, giờ đây, mỗi lần trao đổi với người đối diện, phải nói như quát anh mới nghe được. Đi khám chuyên khoa tai mũi họng, bác sĩ cảnh báo anh đang mắc bệnh giảm thính lực giai đoạn nặng do ảnh hưởng tiếng ồn công nghiệp và có thể bị điếc nếu tình trạng kéo dài. Hậu quả của không được khám bệnh nghề nghiệp chính là phát hiện bệnh trễ, bệnh tiến triển nặng không có khả năng phục hồi.

Ông Đặng Ngọc Hùng, công nhân làm trong ngành hóa chất cho biết: “Tôi luôn cảm thấy khó thở, nhất là vào ban đêm. Nhiều lúc tôi phải chống tay, há miệng mới thở được, thỉnh thoảng còn bị tức ngực, ho khan. Khám bệnh, bác sĩ kết luận, tôi bị hen phế quản nội sinh do tiếp xúc lâu dài với hóa chất. Họ khuyên tôi nên thay đổi môi trường làm việc nếu không sẽ có nguy cơ bị hen phế quản kịch phát, dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm, như suy hô hấp, suy tim, tử vong. Biết bệnh tình vậy nhưng sau một tuần nằm viện ông Hùng trở về với công việc cũ. “Tôi đi khám về nhưng không nói bệnh tình với chủ sử dụng lao động. Tôi sợ họ cho nghỉ việc, làm được ngày nào tốt ngày đó, chứ mình bệnh tật triền miên công ty mới họ lại không nhận”.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng, năm 2015, trong số 116/462 cơ sở được kiểm tra môi trường, có nhiều mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép. Có các yếu tố không đạt, như nhiệt độ 31,19%, phóng xạ 37,7%, hơi khí độc 17,14%, tiếng ồn 24,4%, ánh sáng 24,5%. Tình trạng ô nhiễm này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, khiến nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp, như bụi phổi, viêm phế quản mạn tính, nhiễm độc, điếc, bệnh về da... Trong khi đó, có khoảng 60% đơn vị khám sức khỏe định kỳ; chỉ có 12% khám bệnh nghề nghiệp. Trong 15 năm (2000 -2015), toàn tỉnh mới phát hiện 61 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp; trong đó, có đến 55 trường hợp  bệnh điếc nghề nghiệp. Con số này vẫn chưa phản ảnh thực trạng lao động đang đối mặt với bệnh nghề nghiệp trên địa bàn. Thế nên, số người được hưởng trợ cấp 1 lần và trợ cấp thường xuyên đối với bệnh nghề nghiệp còn rất thấp.

Nguyên nhân không khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động do một số doanh nghiệp né tránh vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của đơn vị. Hơn nữa, người lao động khi phát hiện bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp phải làm thủ tục ra hội đồng giám định nên cả doanh nghiệp và người lao động thường sợ phiền hà, sợ mất việc. Khám bệnh nghề nghiệp không chỉ đơn thuần chủ sử dụng lao động bỏ ra từ 300.000 – 500.000 đồng mà về nguyên tắc, người lao động không thể tự ý đi khám bệnh nghề nghiệp. Việc khám, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp phải dựa trên kết quả giám sát môi trường lao động có vượt mức quy định hay không nên đó là một trong những lý do mà số người lao động chưa được khám bệnh nghề nghiệp.

Có thể phòng tránh

Có rất nhiều lý do khiến không nhiều lao động được khám bệnh nghề nghiệp. Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp và cán bộ làm công tác xét nghiệm y học lao động còn mỏng. Trang thiết bị phục vụ cho công tác khám và chẩn đoán bệnh còn thiếu và chưa đồng bộ, thiếu các xét nghiệm chuyên sâu. Người sử dụng lao động và người lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp chưa hiểu rõ tầm quan trọng đối với công tác khám sức khỏe định kỳ, khám, phát hiện, chẩn đoán và giám định bệnh nghề nghiệp. 

Theo đoàn kiểm tra liên ngành, sau khi kiểm tra, đoàn đã kiến nghị một số đơn vị thay thế các nguyên liệu chứa nhiều silic tự do, amiăng bằng những nguyên liệu khác, cách ly môi trường bụi, lắp đặt hệ thống hút, lọc bụi, giảm bụi bằng nước, cơ giới hóa sản xuất tổ chức lao động hợp lý, gia tăng thông khí, sử dụng công nghệ làm ẩm bụi. Quy hoạch xây dựng nhà máy, khu phát ra tiếng ồn ở cuối chiều gió, che chắn nơi phát ra tiếng ồn, có vành đai cây xanh, bố trí khu vực nghỉ giải lao cách xa nguồn phát sinh bụi ồn. Đoàn cũng kiến nghị, khi phát hiện người lao động có sức khỏe loại IV, loại V, không bố trí người mắc bệnh đường hô hấp vào làm việc trong môi trường bụi. Khi người lao động mắc bệnh bụi phổi, phải bố trí làm công việc khác không được tiếp xúc với bụi, thay đổi vị trí làm việc luân phiên.

Ông Trần Văn Khởi, Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp thuộc Trung tâm Y tế dự phòng, cho biết: Các đơn vị cần kiểm tra môi trường lao động hàng năm, đo nồng độ bụi, hàm lượng silic tự do chứa trong bụi. Khám sức khỏe định kỳ, chụp X quang tim phổi cho những người tiếp xúc có nguy cơ nhiễm bệnh bụi phổi nghề nghiệp để phát hiện sớm và điều trị kịp thời; khám phát hiện bệnh điếc nghề nghiệp bằng máy đo thính lực. Doanh nghiệp phải tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho những công nhân sau 5 năm tiếp xúc với mô trường độc hại, ô nhiễm; sau đó, cứ 2 năm khám lại 1 lần. Ngay bản thân người lao động phải sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; đeo khẩu trang, sử dụng mặt nạ chắn bụi, không hút thuốc lá, thuốc lào; đeo nút tai, rèn luyện thân thể, tắm rửa sau giờ lao động.

Việc phòng tránh bệnh nghề nghiệp của người lao động không khó. Tùy vào đặc thù từng công việc mà sẽ có các dụng cụ bảo hộ riêng. Vấn đề khó khăn là làm sao xây dựng được ý thức tự bảo vệ, và bảo vệ người lao động của chính người lao động, và những chủ sử dụng. Nếu người sử dụng lao động quan tâm tới việc cải thiện môi trường làm việc và trang bị bảo hộ an toàn cho công nhân để phòng ngay từ đầu thì tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp sẽ giảm đi nhiều.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiều doanh nghiệp vẫn chậm đóng bảo hiểm xã hội

Tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho hàng nghìn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động (NLĐ).

Nhiều doanh nghiệp vẫn chậm đóng bảo hiểm xã hội
Bảo vệ sức khỏe người lao động mùa nắng nóng

Để bảo đảm sức khỏe cho người lao động (NLĐ) trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, các cấp công đoàn đã chủ động tham mưu, phối hợp với doanh nghiệp (DN) triển khai nhiều biện pháp giúp NLĐ đối phó với nắng nóng.

Bảo vệ sức khỏe người lao động mùa nắng nóng
Chăm lo toàn diện đến quyền lợi cho người lao động trong Tháng Công nhân

Trong Tháng Công nhân, các cấp công đoàn triển khai nhiều hoạt động hướng về người lao động, trong đó có hoạt động đối thoại với chính quyền, chủ sử dụng lao động. Ông Phan Vân Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh chủ đề trên.

Chăm lo toàn diện đến quyền lợi cho người lao động trong Tháng Công nhân
Hướng về đoàn viên, người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân luôn là đợt cao điểm chăm lo cho công nhân lao động. Năm nay, với chủ đề: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết", ngay từ thời điểm cuối tháng 4, nhiều hoạt động chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần đã được các cấp công đoàn đồng loạt thực hiện.

Hướng về đoàn viên, người lao động

TIN MỚI

Return to top