Ngày 29/9, UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 7, cho ý kiến về dự thảo báo cáo của Chính phủ về quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2016; tình hình 2 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
Báo cáo của Chính phủ thể hiện nhiều con số, đến hết năm 2016, số người tham gia BHYT là 75,91 triệu người, tăng 6,25 triệu người (tương đương với 8,5%) so với năm 2015, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 81,9% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT chưa thực sự bền vững do nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng chiếm tỷ lệ cao (65,2%). Đây là thách thức và cần có giải pháp đối với các đối tượng như thoát nghèo, không còn là đối tượng cận nghèo khi không còn được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
Lãnh đạo UB Các vấn đề xã hội chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 7 của UB
Chính phủ nhận định, quỹ BHYT năm 2016 mất cân đối thu - chi là 831 tỉ đồng, nhưng tính đến hết năm, quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT đã bù đắp và số dư còn hơn 47.000 tỉ đồng. Dự kiến cuối năm nay, quỹ dự phòng còn hơn 38.000 tỉ đồng và năm 2018 còn 23.410 tỉ đồng. Với nguồn kinh phí này, quỹ đủ cân đối ít nhất là đến hết năm 2019.
Đề cập đến nguyên nhân gia tăng chi quỹ BHYT, Chính phủ cho rằng, do mức đóng không thay đổi trong khi đã có sự điều chỉnh về mức hưởng. Đặc biệt, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh và điều kiện tiếp cận dịch vụ.
Một nguyên nhân khác được đề cập là tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, trong đó có hiện tượng chỉ định sử dụng thuốc bổ trợ, dịch vụ kỹ thuật nhiều hơn mức cần thiết so với yêu cầu chuyên môn; cho người bệnh nhập viện khi tình trạng bệnh chưa thực sự cần thiết.
Cơ quan quản lý cũng nhắc tới tình trạng người bệnh đi khám bảo hiểm nhiều lần trong thời gian ngắn mà không thực sự vì mục đích khám chữa bệnh.
Báo cáo của Chính phủ cũng lưu ý vấn đề, nhóm người lao động và người sử dụng lao động đóng tới hết năm 2016 có 11,86 triệu người tham gia BHYT, chiếm 15,6% trên tổng số người tham gia BHYT và số tiền đóng bằng 41,1% trên tổng số thu BHYT. Tuy nhiên trong nhóm này hiện còn khoảng 3 triệu người chưa tham gia BHYT. Việc chấp hành pháp luật về BHYT còn nhiều hạn chế, tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT phổ biến tại các địa phương. Số nợ tiền đóng BHYT hiện nay khoảng 619 tỉ đồng và có xu hướng gia tăng.
Năm 2016, tổng số nợ BHYT là trên 3.000 tỉ đồng, trong đó đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nợ 686 tỉ đồng, chiếm 22,8% và ngân sách nhà nước chưa chuyển 2.327 tỉ đồng, chiếm 77,2% trên tổng số nợ BHYT.
Áp lực thu hồi vốn đầu tư bệnh viện dẫn đến lạm dụng bảo hiểm
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói về nguyên nhân số chi bảo hiểm ngày càng tăng vọt là do việc tăng giá dịch vụ y tế, mà điển hình nhất là giá giường bệnh vì chi phí khám bệnh.
Cùng với đó, chính sách thông tuyến cũng là một nguyên nhân khiến quỹ BHYT tăng chi vì việc ứng dụng nhiều kỹ thuật cao hơn, người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn, chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện vệ tinh hơn hẳn.
“Bên cạnh đó, người dân giờ nhận thức cao hơn, số lượt người đi khám bệnh ngày càng tăng, kể cả ở khu vực đô thị lẫn vùng sâu vùng xa", bà Tiến nói.
Về tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm, Bộ trưởng Kim Tiến nhìn nhận xác nhận có hiện tượng lạm dụng nhưng kết luận là trục lợi thì theo tư lệnh ngành y tế, cần phải thanh kiểm tra để có bằng chứng cụ thể. Theo bà Tiến, Bộ đã đề xuất lập tổ đặc nhiệm để cùng thanh tra bảo hiểm xã hội kiểm tra và dự kiến mời các đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương cùng tham gia, giám sát.
Thảo luận về các vấn đề đặt ra, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đi từ ví dụ thực tế tại địa phương mình, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã thực hiện xã hội hóa, đưa trang thiết bị hiện đại phục vụ khám chữa bệnh nhưng sức ép về việc thu hồi vốn đầu tư các thiết bị này đã dẫn tới tình trạng lạm dụng. Hiện tượng lạm dụng thể hiện bằng việc chỉ định các xét nghiệm, thăm dò chức năng chưa cần thiết, tạo nên gánh nặng cho quỹ BHYT.
Theo Dân trí