ClockThứ Năm, 11/08/2022 06:45
GIẢM THIỂU NẠN TẢO HÔN VÀ HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG:

“Các ngành các cấp liên quan phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa”

TTH - Sau mỗi trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một câu chuyện buồn và kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề. Nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số, các cấp các ngành liên quan ở Thừa Thiên Huế tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp can thiệp.

Tảo hôn, hôn nhân cận thuyết thống vẫn diễn biến phức tạp

Truyền thông về sức khỏe sinh sản với chị em trong độ tuổi sinh đẻ ở A Lưới. Ảnh: Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cung cấp

Những con số buồn

Từ năm 2017 đến tháng 7/2022, toàn tỉnh có 375 trường hợp tảo hôn. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng dân số tại các địa phương và cả tỉnh. Tảo hôn không chỉ xảy ra ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn xảy ra ở nhiều địa phương vùng đồng bằng, thậm chí ngay tại TP. Huế. Trong 375 trường hợp tảo hôn trong thời gian qua, cao nhất ở huyện vùng cao A Lưới, 168 trường hợp; tiếp ngay sau A Lưới là TP. Huế 60 trường hợp; Nam Đông 37 trường hợp; Quảng Điền 30 trường hợp; Phú Lộc 26 trường hợp; Phú Vang 24 trường hợp; Phong Điền 21 trường hợp; thị xã Hương Trà có 9 trường hợp. Thời gian này, toàn tỉnh chỉ có 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống tại xã Lâm Đớt (A Lưới).

Tại A Lưới, có đến 16/18 xã, thị trấn có trường hợp tảo hôn trong 5 năm (2017-2021). Trong khi 2 xã Phú Vinh và Hương Phong không có trường hợp tảo hôn nào, thì xã Hồng Thái năm nào cũng có ghi nhận ít nhất 1 trường hợp tảo hôn. Tính cả giai đoạn, Hồng Thái có 18 trường hợp tảo hôn. Ngoài Hồng Thái, các xã có trường hợp tảo hôn cao là Quảng Nhâm (21), Hồng Vân (17), A Roàng (15), Hồng Hạ (14), Lâm Đớt (13), A Ngo (12), Đông Sơn (11), Hồng Thượng (11), Hồng Kim (9), Hồng Thủy (9) và Trung Sơn (8).

Hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết vô cùng nặng nề. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân những ông bố bà mẹ trẻ - nhất là nữ giới, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

Nếu ở vùng xa, vùng sâu, vùng sinh sống của bà con đồng bào thiểu sổ nguyên nhân chính được phân tích là do: trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu, người dân chưa ý thức được tầm quan trọng trong việc chấp hành pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân số-KHHGĐ, ít tham gia các đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật…; thì ở vùng đồng bằng, tảo hôn phần nhiều lại do giới trẻ quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn khiến gia đình phải chấp nhận “nhắm mắt đưa chân”.

Tăng truyền thông trực tiếp

Tháng 2/2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND về việc đẩy mạnh công tác dân số và phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh giảm tỷ lệ tảo hôn xuống 3%, không còn hôn nhân cận huyết thống; đến năm 2030, giảm tỷ lệ tảo hôn xuống 1%, không còn hôn nhân cận huyết thống. Ngày 10/8, tại huyện A Lưới, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh và UBND huyện phối hợp tổ chức hội thảo bàn giải pháp giảm thiểu tảo hôn và xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống. Đây là một trong những hoạt động của ngành trong nỗ lực phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng dân số và can thiệp trong các chương trình, đề án đã được tỉnh phê duyệt nhằm giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tham dự hội thảo, nhiều giải pháp để giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tiếp tục được đề xuất, như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp; nâng cao năng lực truyền thông cho đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn bản; nghiêm túc xử lý các trường hợp vi phạm theo luật định; xây dựng các sản phẩm truyền thông tác động thay đổi hành vi sát thực tế. “Các ngành các cấp liên quan phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là ngành y tế và giáo dục tại các huyện miền núi. Các đơn vị thuộc ngành y tế cần đẩy mạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề hậu quả của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết và tâm sinh lý sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì cho người dân và các nhóm trẻ có nguy cơ cao”, ThS.BSCKII. Phan Đăng Tâm, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ nói thêm.

Thu Thủy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thuốc lá thế hệ mới - hệ lụy khó lường

Những năm gần đây, dù đã có nhiều cảnh báo về tác hại và các vấn đề xung quanh, song việc sử dụng thuốc lá điện tử ở một bộ phận, nhất là giới trẻ vẫn diễn ra âm ỉ. Lợi dụng việc này, các đối tượng phạm tội đã pha trộn một số chất ma túy thế hệ mới vào tinh dầu của thuốc lá điện tử. Tuy đã được khuyến cáo về tác hại của các loại thuốc lá thế hệ mới nhưng nhiều người vẫn chủ quan, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Thuốc lá thế hệ mới - hệ lụy khó lường
Tìm hướng kéo giảm tảo hôn, sinh con thứ 3 ở A Lưới

UBND huyện A Lưới tích cực phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Đây là một trong những yếu tố hàng đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, hướng đến công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Tìm hướng kéo giảm tảo hôn, sinh con thứ 3 ở A Lưới
Hệ lụy từ sau những bản án về ma túy

Chỉ vì siêu lợi nhuận trước mắt mà nhiều người bất chấp, lún sâu vào con đường phạm tội “Buôn bán trái phép chất ma túy”. Gieo rắc “cái chết trắng”, hủy hoại biết bao con người, phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình, những bị cáo này đáng phải nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Hệ lụy từ sau những bản án về ma túy
Tìm cách kéo giảm tảo hôn

Giai đoạn 2021 - 2023, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 61 trường hợp tảo hôn. Các ban, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm truyền thông và phòng, chống tình trạng này.

Tìm cách kéo giảm tảo hôn

TIN MỚI

Return to top