UBND tỉnh xác định công tác CCHC là một trong 3 đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước.
Các thủ tục về hành chính được niêm yết bằng hệ thống điện tử
Khách quan, trung thực
Theo kết quả đánh giá, xếp loại công tác CCHC của các sở, ban, ngành cấp tỉnh vừa được UBND tỉnh công bố, Văn phòng UBND tỉnh đã có cuộc bứt phá ngoạn mục khi từ vị trí thứ 14 năm 2016 đã vươn lên xếp loại xuất sắc với 96,84 điểm, dẫn đầu bảng xếp hạng.
Cùng xếp loại xuất sắc với Văn phòng UBND tỉnh còn có 3 đơn vị khác là Sở Y tế (93,45 điểm), Sở Tư pháp (92,47) điểm và Sở Nội vụ (91,01 điểm); có 13 đơn vị xếp loại tốt và 4 đơn vị xếp loại khá.
Đối với khối cấp huyện, UBND huyện Phú Lộc xếp loại xuất sắc với 91,26 điểm, tiếp tục 4 năm liền dẫn đầu khối UBND các huyện, thị xã, thành phố. Phong Điền cũng có bước tiến khi xếp thứ 2 với 90,68 điểm (năm 2016 xếp thứ 3). “Kết quả đánh giá, xếp loại công tác CCHC phản ánh khách quan, trung thực và thực tế. Đây là cơ sở quan trọng giúp người đứng đầu các cơ quan, đơn vị xác định được những mặt mạnh, mặt yếu để có các giải pháp, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp trong việc thực hiện CCHC ngày một hoàn thiện hơn”- Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nói.
Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt 14 nhiệm vụ trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước. Trong đó, khẩn trương xây dựng đề án, hoàn thiện cơ sở vật chất và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công (TTHCC) tỉnh và 9/9 TTHCC cấp huyện, đồng thời phê duyệt đề án xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của 152 xã, phường, thị trấn, tạo sự đồng bộ, liên kết đến cấp xã gắn với việc xây dựng mô hình một cửa liên thông hiện đại, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo nguyên tắc “tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại chỗ” bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch; người dân và doanh nghiệp chỉ đến một địa chỉ để giải quyết TTHC.
Thước đo từ sự hài lòng
Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, Văn phòng UBND tỉnh đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác tham mưu giúp UBND, Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả chương trình CCHC của Chính phủ. Nổi bật là năm 2017, văn phòng đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ một cửa đúng hạn đạt 99,3%. Tiếp tục duy trì, cải tiến và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008, xây dựng mới 28 quy trình, đưa tổng số quy trình thuộc thẩm quyền UBND tỉnh xử lý lên con số 195 và thuộc Văn phòng UBND tỉnh áp dụng 45 quy trình. Văn phòng UBND tỉnh còn tham mưu UBND tỉnh ban hành hệ thống mẫu văn bản của 22/22 sở, ngành nhằm hoàn thiện mô hình cơ quan hành chính kiểu mẫu; các nội dung “Xây dựng chính quyền điện tử” như: khung kiến trúc chính quyền điện tử, dịch vụ công, văn bản liên thông 4 cấp, hệ thống quản lý công chức, quy hoạch hệ thống thông tin từ tỉnh đến xã, hệ thống thông tin địa lý GIS… đã được hoàn thành.
Nói về kinh nghiệm 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số CCHC cấp huyện, ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc chia sẻ, nhằm thúc đẩy tiến trình CCHC, kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở đến giải quyết TTHC cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp, UBND huyện thường xuyên tổ chức các cuộc họp, đối thoại về CCHC. Cùng với đó, thành lập TTHCC huyện hiện đại, áp dụng phần mềm điện tử trong các giao dịch hành chính, tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ xã đến huyện. TTHCC huyện tiếp nhận, giải quyết 359 thủ tục/45 lĩnh vực; số hóa trên 80% hồ sơ tiếp nhận. Huyện cũng chú trọng khảo sát nhằm nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với công tác phục vụ cửa cơ quan Nhà nước. Đồng thời, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, hình thành các công sở điện tử, phát triển dịch vụ công trực tuyến phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Chuyển mạnh sang tư duy “phục vụ”
Tại lễ khai trương TTHCC tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, với mục tiêu của Chính phủ là xây dựng một “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”, chúng ta phải thay đổi sâu sắc trong tư duy và hành động, chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “phục vụ”. Việc hình thành các TTHCC cấp huyện, cấp tỉnh thể hiện sự thống nhất, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong cải cách TTHC và giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân để nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ hành chính công.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, thực sự tạo đột phá về công tác CCHC, tỉnh đang chú trọng cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; quan tâm đến xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm đến cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính bằng việc triển khai ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước; bố trí trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính tuân thủ kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân.
Đến cuối năm 2017, UBND tỉnh đã cập nhật, đề nghị Cục Kiểm soát TTHC cho mở công bố công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia 1.124 TTHC. Đến nay, toàn tỉnh có 2.243/2.248 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (tỷ lệ 99,78%), trong đó, cấp sở 1.332 TTHC một cửa và 374 TTHC liên thông; UBND cấp huyện có 350 TTHC một cửa và 34 TTHC liên thông; UBND cấp xã có 134 TTHC một cửa và 19 TTHC liên thông.
Bài, ảnh: Thái Bình