TTHCC TX. Hương Thủy với cơ sở khang trang, đội ngũ CBCC có năng lực, thái độ hòa nhã, tận tình
Đến ngày 20/4, đã có 6/9 TTHCC các huyện, thị, thành phố đi vào hoạt động.
Hiệu quả bước đầu
Đầu tháng 4 năm nay, TTHCC TX. Hương Thủy - đơn vị đầu tiên của tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Đến nay, có 350 TTHC của 38 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị, ban, ngành đã đưa vào thực hiện tại trung tâm.
Đến TTHCC thị xã giải quyết thủ tục ở lĩnh vực thuế, anh Nguyễn Văn Chuẩn, ở phường Thủy Phương tỏ ra hài lòng: “Từ khi TTHCC đi vào hoạt động, việc giải quyết các thủ tục rất nhanh, thuận tiện”.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Giám đốc TTHCC TX. Hương Thủy cho biết: Trung tâm đã đưa 100% TTHC của các lĩnh vực thuộc thẩm quyền vào giải quyết; bố trí cán bộ, công chức (CBCC) trực tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tất cả các ngày làm việc trong tuần. UBND thị xã đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tập huấn cho đội ngũ CBCC; đồng thời thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ, rõ ràng toàn bộ thủ tục hồ sơ, mức thu phí, lệ phí, thời gian giải quyết TTHC, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Nâng cao ý thức trách nhiệm của CBCC, giảm thiểu phiền hà cho người dân, doanh nghiệp...
Ở vùng cao A Lưới, TTHCC chính thức đi vào hoạt động từ ngày 18/4/2017, với 15 CBCC đã tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, phòng, ban chuyên môn về giải quyết TTHC. Ông Hồ Xuân Kít, ở thị trấn A Lưới cho biết: “Đến TTHCC huyện, ngoài được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo, còn có thể tra cứu danh mục các TTHC và những thông tin liên quan đến các lĩnh vực mình cần giải quyết, tạo thuận lợi, giảm thời gian đi lại cho người dân rất nhiều...”.
Đến ngày 20/4, đã có 6/9 TTHCC các huyện, thị, thành phố đi vào hoạt động, đáp ứng cơ bản yêu cầu, số hồ sơ được giải quyết đúng hạn tăng, thời gian giải quyết thủ tục giảm đáng kể (từ 10 - 20%) so với trước đây. Các TTHCC cấp huyện đã đưa vào thực hiện các thủ tục hành chính của cơ quan ngành dọc như thuế, BHXH, Công an… góp phần tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các trung tâm có bộ phận kiểm tra, giám sát độc lập và thường xuyên, kịp thời xử lý, phản ảnh những vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết TTHC...
Cần phối hợp tháo gỡ khó khăn
Dù có bước khởi động tốt nhưng hiện tại, các TTHCC cấp huyện vẫn đứng trước nhiều khó khăn. Cụ thể, việc xây dựng bộ máy, biên chế, chế độ chính sách còn lúng túng; các địa phương gặp khó khăn về quản lý cán bộ giữa trung tâm và các phòng, ban, cơ quan, nhất là đối với các đơn vị ngành dọc trên địa bàn; việc xây dựng quy chế hoạt động như cử cán bộ làm việc tại trung tâm; việc đưa các dịch vụ triển khai tại các trung tâm vẫn có điểm chưa phù hợp…
Chị Nguyễn Thị Huê, chuyên viên bộ phận thuế tại TTHCC TX. Hương Thủy cho biết: Danh mục thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục Thuế gồm 17 TTHC. Trước đây, việc thụ lý các thủ tục này tại Chi cục Thuế được phân chia cho 3 nhân viên thuộc 3 lĩnh vực tiếp nhận và hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp, thì nay một mình tôi phải tiếp nhận tất cả các loại TTHC thuộc thẩm quyền. Do đó, cùng một thời điểm có nhiều cá nhân, doanh nghiệp đến giao dịch các thủ tục, chắc chắn sẽ quá tải, và việc chậm trễ trong quá trình tiếp nhận, hướng dẫn là điều khó tránh khỏi.
Quyết định 402/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập TTHCC cấp huyện, quy định lĩnh vực TTHC của cơ quan Công an gồm: Cấp, quản lý CMND; lĩnh vực đăng ký quản lý cư trú…Tuy nhiên, quy trình cấp giấy CMND với nhiều công đoạn như: thẩm tra thông tin, đối chiếu tàng thư, lăn tay, chụp ảnh chân dung, nhận dạng dấu vết riêng… đòi hỏi phải có bộ phận chuyên môn, nên khó khăn trong việc tiếp nhận thực hiện tại các TTHCC cấp huyện.
Trung tá Hồ Đức Hạnh, Phó Công an huyện A Lưới cho biết: Hiện tại, đơn vị bố trí một cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại TTHCC huyện, gồm các thủ tục liên quan đến chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp theo quy định. Đối với các giao dịch liên quan đến cấp giấy CMND, cán bộ tiếp nhận tại TTHCC sẽ hướng dẫn người dân đến làm tại Công an huyện.
Những vấn đề trên cho thấy, để tạo môi trường làm việc thuận tiện, văn minh, hiện đại, giải quyết nhanh, hiệu quả các TTHC cho tổ chức, cá nhân, người dân thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Nhất là quy định rõ trách nhiệm của các phòng, ban chuyên môn, các cơ quan ngành dọc đặt tại địa phương trong thực hiện cơ chế một cửa liên thông. Trước đây, việc cấp giấy CMND cho bà con ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, Công an huyện A Lưới cũng như các địa phương khác đã tổ chức các tổ công tác về tận các thôn, bản để tiến hành cho bà con. Nay, việc thành lập tổ công tác thực hiện thủ tục này tại TTHCC là điều hoàn toàn có thể.
Bài, ảnh: Bá Trí