|
|
Lực lượng CSGT tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xử lý vi phạm hành chính |
Anh Nguyễn Văn N. sinh năm 1970, trú tại thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, điều khiển ô tô 77C… vi phạm lỗi: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h. Do ở xa, không tiện đi lại nhiều lần đến nơi để làm các thủ tục xử lý vi phạm hành chính (VPHC) nên đã được cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh hướng dẫn, thực hiện việc nộp phạt thông qua Cổng DVCQG.
Theo anh N. việc nộp phạt qua Cổng DVCQG được thực hiện khá thuận lợi, giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của vì đi lại nhiều lần.
Tương tự anh N. anh Hoàng Đức Q. sinh năm 1977, trú tại xã Hưng Lộc, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An điều khiển ô tô 50H… vi phạm lỗi. Anh đã thực hiện việc nộp phạt qua dịch vụ công trực tuyến tại Cổng DVCQG và cho rằng đây là cách làm hay, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào cuộc sống giúp người dân thuận tiện hơn.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận hàng trăm yêu cầu của người dân liên quan đến các lĩnh vực đăng ký, quản lý phương tiện và xử lý VPHC về trật tự giao thông. Người dân và doanh nghiệp khi đến làm việc đều được cán bộ hướng dẫn tận tình, các bước tiến hành thao tác nhanh chóng, thuận tiện trên điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng internet để truyền thông tin đến Cổng DVCQG xử lý. 100% hồ sơ trên lĩnh vực quản lý giao thông được giải quyết và trả đúng thời gian quy định.
Trong quý I năm 2023, Phòng CSGT Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 946 hồ sơ đăng ký phương tiện giao thông và 964 trường hợp nộp phạt VPHC về trật tự an toàn giao thông thông qua dịch vụ công trực tuyến.
Thông qua Cổng DVCQG, người dân tự kết nối, tích hợp, tương tác để nộp tiền phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thay vì việc phải trực tiếp đến các kho bạc, ngân hàng nộp tiền xử phạt VPHC như trước đây. Đồng thời, có thể đăng ký địa chỉ để nhận lại các giấy tờ bị cơ quan công an tạm giữ sau khi đã hoàn thành xong quyết định xử phạt.
Đặc biệt, trong công tác đăng ký, quản lý phương tiện, các thủ tục đăng ký đơn giản, thuận tiện, giao dịch 24/24h trong ngày tại bất cứ đâu có kết nối internet. "Đây chính là mục tiêu phấn đấu của lực lượng CSGT trong việc phục vụ người dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo để đánh giá chất lượng và hiệu quả phục vụ trong cung cấp dịch vụ công nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin", Trung tá Lê Hồng Vân - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm thông tin.
Bên cạnh những tiện ích mà dịch vụ công trực tuyến đã mang lại, hiện nay, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn như: Việc truy cập ứng dụng Cổng DVCQG bị ngắt quãng, nhiều người dân chưa sử dụng điện thoại thông minh, chưa quen với những thao tác trên các ứng dụng kết nối internet, chưa có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản nhưng số tiền không đủ để nộp phạt VPHC…
Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Phòng CSGT sẽ cùng với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, tiếp cận dễ dàng, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa trình độ của đội ngũ cán bộ để có thể ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào công tác và hướng dẫn người dân thực hiện thuận tiện hơn.
"Phòng CSGT tiếp tục tham mưu đề xuất đưa ra các giải pháp đồng bộ hóa các trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để có thể phục vụ tốt nhất cho người dân trong quá trình ứng dụng dịch vụ công trực tuyến; góp phần hiện thực hóa việc chuyển đổi số trên lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông", Thượng tá Hồ Quốc Văn, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh khẳng định.