|
Tại Trung tâm Tiếp nhận và trả kết quả hành chính xã Quảng Thọ |
Dần hoàn thiện mô hình
Tháng 3/2021, UBND tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình “Xã thông minh” tại xã Quảng Thọ với quyết tâm hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã và hướng đến chính quyền số, hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã “thông minh hơn”.
Khi triển khai mô hình “Xã thông minh”, Quảng Thọ được hỗ trợ nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT). Đồng thời, đào tạo, bổ sung nguồn lực chuyên trách CNTT và Hệ thống quản lý văn bản và điều hành cấp xã nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã. Cùng với đó, triển khai các giải pháp, ứng dụng dịch vụ tương tác chính quyền với người dân và hệ thống báo cáo số từ xã đến huyện/tỉnh. Xây dựng Phòng Điều hành xã NTM công nghệ 4.0, nâng cấp hệ thống cáp quang về tận thôn.
Phòng Điều hành xã thông minh trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ họp trực tuyến, hội thảo, quan sát, theo dõi qua hệ thống camera; Phòng Giám sát điều hành xã thông minh tích hợp dữ liệu của các hệ thống xử lý dịch vụ công tập trung nhằm theo dõi tình hình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính; cung cấp diễn biến chất lượng không khí và cảnh báo ô nhiễm không khí theo thời gian thực tại. Hệ thống internet đã phủ khắp các thôn, xã đã lắp 9 điểm Wifi công cộng. Toàn xã hiện nay có 31 camera được kết nối phục vụ quan sát các điểm xung yếu, ngập lụt trong mùa mưa bão, đảm bảo an ninh trật tự; giúp người dân có thể cập nhật thông tin nhanh chóng, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Theo ông Trần Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, xã hiện có trên 85% hộ gia đình, 100% cán bộ, công chức của xã có tài khoản ViettelPay và tài khoản các ngân hàng khác phục vụ thanh toán hóa đơn các dịch vụ không dùng tiền mặt. UBND xã đã chọn HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II để xây dựng hệ thống HTX số kết hợp đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử cho nông hộ và HTX nhằm quảng bá các sản phẩm, kinh doanh như Trà rau má lên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, sàn kinh tế hợp tác điện tử…
Sớm đạt xã nông thôn mới thông minh
Chủ tịch UBND xã Trần Kìm chia sẻ, Quảng Thọ đang xây dựng mô hình “Xã thông minh” dựa trên 3 trụ cột chính: Thiết chế thông minh, con người thông minh và công nghệ thông minh. Với các nội dung kế hoạch bao gồm: hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số; xây dựng các hệ thống thông tin tích hợp phục vụ cho xã hội số; xây dựng mô hình HTX số, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ số và từng bước triển khai một số dịch vụ cho kinh tế số nông thôn. Lãnh đạo xã thực hiện đổi mới toàn diện từ tư duy, nhận thức tới cách làm của cán bộ, công chức cũng như đổi mới nhận thức, thay đổi thói quen, cách làm cũ lâu nay của mỗi người dân, doanh nghiệp, HTX thành cách làm việc hoàn toàn mới, thuận tiện.
Thời gian tới, Quảng Thọ tập trung ứng dụng nền tảng văn phòng số trên phần mềm Hue-S để phục vụ công tác quản trị hành chính nhằm xây dựng chính quyền số. Xã đề xuất Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp, hỗ trợ chuyển giao, quan tâm triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công. Kế thừa hệ thống cơ sở dữ liệu của huyện sẵn có, hỗ trợ bộ công cụ số hóa của tỉnh nhằm khai thác, giúp người dân thụ hưởng kết quả, ứng dụng hiệu quả cho công tác quản lý.
Đồng thời, đẩy mạnh các nội dung đào tạo, tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng bao gồm 5 nhiệm vụ chính về xã hội số: Cài đặt phần mềm Hue-S cho toàn bộ người dân; định hướng người dân tiếp cận công cụ chính thống và có khả năng bảo vệ thông tin người dùng; kỹ năng khai thác và hướng dẫn các chức năng và lan tỏa để người dân tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trên Hue-S; chính quyền địa phương tạo lập dữ liệu số về hộ nghèo, địa chỉ số và các khảo sát khác.
Thời gian tới, UBND xã tận dụng mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư các hệ thống, hạng mục để từng bước hoàn thiện 3 trụ cột chính nói trên nhằm xây dựng xã NTM thông minh theo bộ tiêu chí của Trung ương.