ClockThứ Bảy, 14/08/2021 06:45

Số hóa hồ sơ hành chính: Hướng tới chính quyền số

TTH - Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh chủ động đẩy mạnh số hóa các dữ liệu thông tin, phần mềm quản lý.

Công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2020: Thừa Thiên Huế tăng 10 bậc, xếp thứ 3 toàn quốc

Giao dịch tại Bảo hiểm xã hội tỉnh

Giảm thời gian, bớt giấy tờ

Tại Trung tâm Hành chính công (TTHCC) huyện Phú Lộc, người dân đến giao dịch các dịch vụ công khá thuận lợi. Chỉ cần khoảng 5-10 phút, tùy dịch vụ, các giao dịch của người dân được giải quyết nhanh chóng.

Ông Nguyễn Quang Trung (thôn La Sơn, xã Lộc Sơn) đến TTHCC huyện để thực hiện thủ tục xóa thế chấp. Chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, giao dịch của ông hoàn thành, nhờ TTHCC huyện đã thực hiện số hóa hồ sơ của ông trong lần giao dịch trước.

“Rất thuận tiện. Lần thứ hai đến giao dịch, tôi chỉ cần đọc số căn cước công dân, hoặc chứng minh Nhân dân thì hồ sơ của tôi đã có tích hợp sẵn và giao dịch sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều, hạn chế các loại giấy tờ và giảm thời gian giao dịch” - ông Trung phấn khởi chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc - Trần Văn Minh Quân thông tin, huyện xác định việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và số hóa dữ liệu là giải pháp rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân, DN trong giải quyết các TTHC. Do đó, cùng với việc số hóa các dữ liệu hồ sơ hành chính, TTHC, huyện chỉ đạo bộ phận chuyên môn đẩy mạnh giao dịch công trực tuyến nên người dân đỡ phải mất thời gian đến trung tâm. Hiện tại, TTHC thuộc thẩm quyền cấp huyện của Phú Lộc đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên công dịch vụ công là 291/387 thủ tục, đạt hơn 76%.

Không riêng Phú Lộc, hiện toàn tỉnh đã thành lập, triển khai và đưa vào hoạt động TTHCC các cấp ở 9 huyện, thị xã và thành phố Huế; tất cả các xã, phường, thị trấn đều có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC “một cửa”; đồng thời, tỉnh tiếp tục vận hành có hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Trung tâm Hành chính công là nơi duy nhất tiếp nhận và phối hợp giải quyết TTHC, cung cấp thông tin, dịch vụ về các TTHC nhanh chóng, thuận tiện thông qua hệ thống trang thiết bị CNTT hiện đại được kết nối liên thông từ cơ sở đến tỉnh. Hiện hơn 94% hồ sơ thủ tục của người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được số hóa tạo nên nền tảng quan trọng trong việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong tương lai, một xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hướng tới chính quyền số

Thời gian qua, tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT với CCHC, số hóa hồ sơ TTHC nhằm rút ngắn thời gian, giảm các loại giấy tờ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từng bước, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền số trong tương lai.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Trần Thị Hoài Trâm chia sẻ, lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai điện tử hóa 4 thành phần quan trọng là cơ quan điện tử, công chức điện tử, công dân điện tử và doanh nghiệp điện tử. Trong đó, Cổng Dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai cung cấp cho người dân, doanh nghiệp hình thức đăng ký trực tuyến theo địa chỉ (https://dichvucong.thuathienhue.gov.vn).

Đến nay, Cổng Dịch vụ công tỉnh đã cung cấp 626 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2, 1.384 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3; 806 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Với các thông số, tỉ lệ cao như vậy, chính quyền các cấp đã và đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và giảm TTHC không cần thiết, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cho biết, việc phấn đấu đứng đầu cả nước về phát triển chính phủ điện tử cấp tỉnh là một thành tựu đáng tự hào của chính quyền tỉnh. Chính quyền số sẽ tích hợp các dịch vụ theo nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp, do đó tỉnh sẽ nâng cao các ứng dụng nhằm mở rộng sự tương tác giữa chính quyền và người dân; người dân và doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin một lần vì các cơ quan Nhà nước phải chia sẻ dữ liệu với nhau. Chính quyền số chính là tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh, triển khai kho dữ liệu dùng chung, số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền.

Việc nâng cấp và triển khai diện rộng hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh đến cấp xã và các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng, triển khai hiệu quả kiến trúc chính quyền điện tử trên cơ sở quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh đến năm 2030 sẽ là bước phát triển bền vững cho mô hình này trong thời gian tới.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển dụng 58 bác sĩ đa khoa về các cơ sở y tế

​Chiều 15/10, Sở Y tế thông tin, UBND tỉnh đã có thông báo tuyển dụng 126 người tại 19 đơn vị sự nghiệp gồm: Bác sĩ đa khoa (BSĐK), bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ y học dự phòng, cử nhân xét nghiệm, cử nhân điều dưỡng, kỹ sư công nghệ thực phẩm… Riêng chức danh tại trạm y tế 9 huyện, thị xã, thành phố cần tuyển 25 người gồm: Bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ y học cổ truyền, cao đẳng hộ sinh, cao đẳng dược…

Tuyển dụng 58 bác sĩ đa khoa về các cơ sở y tế
Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2024 sẽ diễn ra từ 15 – 16/11

Để mở rộng quy mô sự kiện và đảm bảo sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cùng nhiều đối tác chiến lược quan trọng trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2024 vừa có thông báo điều chỉnh thời gian diễn ra sự kiện từ 25/10 sang 15 -16/11.

Tuần lễ Chuyển đổi số Huế 2024 sẽ diễn ra từ 15 – 16 11

TIN MỚI

Return to top