Nhiều hàng quán ở phố Tây tạm ngừng kinh doanh để phòng dịch. Ảnh: Hồng Tâm
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trạng thái cầm cự, không biết sẽ kéo dài trong bao lâu và được bao lâu. Khi hai đoàn khách hủy phòng và cả chuyến đi tới Huế của họ, chúng tôi đã chào nhau bằng lời chúc bình an, sẽ gặp lại. Cho đến bây giờ, Thừa Thiên Huế vẫn đang kiểm soát và phòng dịch rất tốt, chưa có ca dương tính nào xuất hiện trên địa bàn dù nằm giữa hai địa phương là Đà Nẵng và Quảng Trị, nhưng quả là rất buồn khi trông thấy sự im và tối của những khách sạn lớn nhỏ trên các ngả đường trong thành phố. Thông tin từ đồng nghiệp cho hay, hầu hết các đoàn khách Huế đã hủy tour du lịch nội địa, trong khi các đoàn khách đến Huế cũng gần như ngót hẳn…
Khi chúng ta đang chấp hành trạng thái ở yên vì cộng đồng, đó là một thông tin mang đến sự yên tâm, vì sẽ hạn chế được những nguy cơ có thể xảy ra. Dù biết đó là vấn đề quan trọng và được ưu tiên hàng đầu lúc này, song việc giải quyết những hệ lụy đằng sau nó là cả một vấn đề. Cùng với việc ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của cả nền kinh tế, COVID-19 đã lại đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, trực tiếp là lĩnh vực du lịch-dịch vụ vào vòng xoáy trôn ốc. “Cả đội xe nhà em giờ đứng phắc hết – Quang, ông chủ một doanh nghiệp vận tải du lịch cho hay – Dù đã cho giãn việc quá nửa rồi, nhưng cũng chưa biết xoay xở thế nào để trả lương. Ngột thở luôn đó chị”. Trong khi đó, những shop hàng, cửa hiệu trên vài con phố đông đúc đã lại treo bảng tạm ngưng hoạt động sau một thời gian dè dặt mở cửa. Mọi thứ đã chậm rồi, nay lại tiếp tục chững thêm.
Trong cái nhìn tổng thể, sức chống chịu của các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ đã trở nên đã giảm đi hơn phân nửa. Sau con số giảm hơn 55% so cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm, COVID-19 lần này đã đẩy lữ hành vào trạng thái đình đốn dù mới nhúc nhắc hoạt động trở lại; lỗ hơn 15 ngàn tỷ đồng trong năm 2020 là dự kiến của Vietnam Airlines. Hãng này cũng đang dự kiến bán 9 máy bay và các giải pháp cơ cấu lại tài sản để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt. Hơn 90% (98% tính đến đầu tháng 5) lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc và đây là khu vực đang gánh chịu nhiều sức ép nhất để có thể ổn định cuộc sống.
1.100 tỷ đồng là thiệt hại về doanh thu du lịch trên địa bàn theo số liệu dự kiến mới nhất của Sở Du lịch. Riêng về lưu trú, con số này là 200.000 lượt, tương đương gần 200 tỷ đồng. Khoảng 13 tỷ đồng là ước tính tổng thiệt hại ở hoạt động lữ hành. Sẽ là con số vô cùng lớn, nếu cộng vào những khoản chi phí cơ hội khác từ các ngành nghề dịch vụ liên quan khác.
Tồn tại được đã là điều khó khăn. Một sức ép khác còn ở chỗ, không chỉ người lao động mất việc mà các công ty du lịch cũng lâm vào trạng thái mất nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và đó là điều khó khăn khi trở lại…
Tôi nghĩ đến Hưng, ông chủ của Công ty Du lịch Biển Xanh – đơn vị vừa “bị” chúng tôi hủy một sự kiện nhẽ ra được tổ chức vào cuối tuần qua. Việc tìm thêm nguồn vốn đầu tư vốn đã khó, nay lại vấp phải làn sóng COVID-19 thứ hai, không biết ông chủ trẻ vừa khởi nghiệp sẽ cầm chừng được đến đâu, khi tất cả vốn liếng đều đã dồn hết cho tàu thuyền ca nô các loại! Ngay cả Quang nữa, sẽ cần đến nguồn “trợ thở” như thế nào để “sống sót” qua dịch COVID-19. Cả sự chờ đợi các chính sách giãn nợ, thuế, lãi vay ngân hàng… nếu tiếp tục có giải pháp từ Chính phủ từ các doanh nghiệp!
MINH HÀ