Phúc (21 tuổi) và N. (chưa đủ 16 tuổi) quen nhau qua mạng xã hội facebook được vài tháng thì nảy sinh tình cảm yêu đương. Cặp đôi đã 3 lần làm chuyện người lớn tại nhà của bố và mẹ N. (bố mẹ N. đã ly hôn). Khi N. báo có thai, người bố tá hỏa trình báo công an. Phúc bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “giao cấu với trẻ em”.
Tại phòng xét xử, hai bà mẹ của bị cáo Phúc và bị hại N., ai nấy “vò đầu bứt tóc” vì hoàn cảnh trớ trêu. Cháu nội của bà này, là cháu ngoại của bà kia còn đỏ hỏn, trong lúc bố nó đang “ở tù” và mẹ nó thì còn ăn chưa no lo chưa tới. Mẹ bị hại than thở, từ khi ly hôn chồng, làm mẹ đơn thân một mình nuôi con đã khó, cứ “vắt chân lên cổ” để mưu sinh. Bây giờ nuôi thêm đứa cháu ngoại, lo lắng chất chồng. Cái ăn, cái mặc có thể cực khổ, nhưng cũng qua ngày. Chị lo nhất là cuộc đời, tương lai của con gái và cháu ngoại, bởi “nó mù mờ” quá.
Mẹ của bị cáo Khoa trong một vụ án xâm hại khác thì không ngừng rơi nước mắt, khi kể về cú sốc lúc hay tin con phạm tội, bị bắt. Đứa con trai của chị vốn hiền lành. Nhà nghèo nên Khoa không được học chữ đến nơi đến chốn mà theo học nghề may. Khoa mới ra nghề, được nhận làm trong một tiệm may. Tháng lương đầu tiên chưa kịp nhận, thì đã “bước chân” vào trại giam. Chạy quanh chạy quất không biết mượn tiền ai, chị đi vay ngân hàng được 10 triệu đồng bồi thường phần nào cho người bị hại, giúp con khắc phục hậu quả. Mẹ bị cáo cứ thốt mãi câu “tui đau lòng quá”.
Năm 2016 đến 8/2017, TAND hai cấp thụ lý, xét xử 18 vụ/20 về tội xâm hại trẻ em. Công tác xét xử nhận định: Hành vi của các bị cáo rất nguy hiểm, xâm hại đến sức khỏe, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý của các cháu bị hại, gây mất trật tự an toàn xã hội, do đó tòa án áp dụng hình phạt nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung trong bối cảnh các loại tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng.
Đó cũng chính là cảnh báo trong việc bảo vệ trẻ em, mà những người có trách nhiệm cao nhất là ông bà, cha mẹ, là gia đình các cháu. Sự quan tâm, nhắc nhở, giáo dục thường xuyên của cha mẹ là hành động “gốc rễ”, ngăn ngừa hiệu quả nhất, để trẻ em biết cách không đưa mình vào hoàn cảnh nguy hiểm (một mình đi chơi nơi vắng vẻ với bạn khác giới), tránh sa đà vào tình cảm yêu đương không phù hợp với lứa tuổi, để rồi bị xâm hại.
Quỳnh Anh