Sau cùng, nó nộp đơn vào một doanh nghiệp tư nhân. Thực ra thì cũng thông qua tôi là chỗ có quen biết, đã đánh tiếng trước và được chủ doanh nghiệp này cho hay sẽ trả lương không đến nỗi nào so với mặt bằng chung. Nhưng làm được một thời gian, nó về nhà với tâm trạng bất an: Không thấy chủ doanh nghiệp ký tá hợp đồng gì cả. Ban đầu cứ ngỡ mình mới vào, người ta còn thử thách. Ai dè, hỏi quanh, các nhân viên cũ đều vậy hết. Hợp đồng lao động không, bảo hiểm y tế không, bảo hiểm xã hội không… Song, vì mưu sinh nên ai cũng nhắm mắt cho qua chuyện.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Tới kỳ nhận lương, số tiền đứa em tôi được trả thấy mà…choáng. Đại học ra trường, lương… 1 triệu. Đã vậy, chủ doanh nghiệp chỉ trả 80%; 20% còn lại: nợ (!) Và chưa biết bao giờ mới trả. Mà, đâu phải doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Khách đến giao dịch kha khá. Lãi cũng vài trăm đến cả tỷ đồng mỗi năm. Vậy mà đối xử với nhân viên theo kiểu bóc lột. Đúng là… đoản!
Cầm mấy đồng lương trên tay, đứa em tôi lẩm bẩm: Lương thấp, bảo hiểm không có, kiểu này thì… chết. Thôi, bỏ! Nó quyết định và nghỉ cái rẹt ngay ngày hôm sau. Cũng chẳng cần phải đơn trương, báo cáo báo chồn gì sất. Người ta có ký hợp đồng lao động đâu, có tuân thủ pháp luật lao động đâu mà mình phải làm cho đúng quy trình quy chuẩn. Mệt! - Nó lý như vậy.
Tối đó, nó dùng lương còm mua mấy chai bia. Anh em ngồi cụng ly cùng rút kinh nghiệm. Nó bảo, hèn chi mà lâu nay ai cũng mê “chân” nhà nước. Thu nhập có thể không cao, nhưng mà an toàn. Ngon thì lọt vào biên chế, còn không thì cũng phải có hợp đồng ngắn hạn, dài hạn chứ đâu có bô lô chi trợt như ngoài tư nhân… Nó nói như độc thoại rồi nâng ly mần một hơi cho… đỡ tủi. Này mà anh, sao như vậy nhưng không thấy ai kiểm tra, xử lý gì cả? Lao động như bọn em ai bảo vệ, hay phải chờ đến khi sứt đầu mẻ trán mới nhảy vào??? Nó hỏi một tua như thể tôi là giám đốc hay chánh thanh tra của ngành lao động không bằng. Nhưng “đối tượng” đang bức xúc, tôi còn biết làm gì hơn là méo miệng ngồi… cười, lắng nghe và chia sẻ…
Hiền An