TAND thị xã Hương Thủy đang thụ lý, giải quyết một vụ án dân sự “phức tạp”. Trong đó, người con trai gửi đơn đề nghị tòa án xác định quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (nhà, đất hiện vợ chồng người này đang ở) thuộc quyền sử dụng và quyền sở hữu của vợ chồng mình.
Theo đơn trình bày của nguyên đơn (con trai cả), trước đây, vào năm 2002, vợ chồng con trai cả đang sống chung với cha mẹ và các chị em khác. Thời điểm này, Nhà nước giải phóng mặt bằng để mở rộng QL1A. Đất của cha mẹ thuộc diện bị giải tỏa, nhưng chỉ giải tỏa một phần. Thời điểm đó, con trai cả xin được tách thửa riêng và đã được chấp thuận, được chính quyền địa phương cấp đất (lô phụ) tái định cư để làm nhà ở. Vợ chồng con trai cả xây dựng nhà ở ổn định cho đến nay; quá trình ở khai hoang mở rộng thêm, nên mảnh đất có diện tích hơn 400m2.
Theo nguyên đơn, quá trình ở trên đất tái định cư, vợ chồng con trai cả thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhà đất đầy đủ; đã kê khai đăng ký nhà đất theo đúng quy định. Nhưng tại thời điểm đó, do đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và mở rộng QL1A nên chính quyền địa phương chưa thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng con trai cả.
Khi bị “cắt lẹm” một phần diện tích đất để giải phóng mặt bằng, mở rộng QL1A, người cha đã nhận tiền đền bù của Nhà nước đầy đủ từ năm 2002; đồng thời từ đó đến nay không có ý kiến hoặc tranh chấp gì đối với phần nhà, đất mà vợ chồng con trai cả đã xây dựng và ở ổn định. Tuy nhiên, khi vợ chồng con trai cả lập thủ tục xin cấp “sổ đỏ”, người cha có đơn ngăn chặn. Lý do: người cha cho rằng nguồn gốc đất nói trên là của ông, do ông bị giải tỏa một phần đất, Nhà nước mới cấp đất tái định cư này.
Lý do sâu xa của việc ngăn chặn không cho con trai cả lập thủ tục xin cấp “sổ đỏ”, đó là người cha cho rằng, con trai cả không được “độc chiếm” thửa đất tái định cư. Mà thửa đất đó phải được chia cho những người con khác (cũng khó khăn) trong gia đình. Trước đây em gái (không chồng, con) làm nhà tạm ở trên đất tái định cư. Nhưng sau khi có ý định xây dựng nhà kiên cố thì bị anh trai cả không đồng ý, đuổi ra khỏi căn nhà tạm (với lý do các con đều đã lớn, cần đất làm nhà ở). Điều đó khiến giữa con trai cả và anh chị em ruột mâu thuẫn trầm trọng. Quá trình tranh chấp, anh em ruột thịt xảy ra tình trạng cự cãi, thậm chí “vác rựa” đuổi chém nhau gây ra hậu quả, đến nỗi đã bị xử lý hình sự.
Vụ án dân sự, do con trai cả đứng nguyên đơn như nêu trên, đang trong quá trình giải quyết. Những người làm công tác xét xử TAND thị xã Hương Thủy vẫn đang tiếp tục điều tra, xác minh, bổ sung hồ sơ tài liệu…
Những người làm công tác xét xử cho hay, qua thực thực tế xét xử, không ít vụ án mang tính chất “nồi da xáo thịt”, cha mẹ và con cái, anh chị em ruột thịt đưa nhau đến chốn pháp đình, nguyên nhân vì tranh chấp tài sản, đất đai. Khi tòa án phân “thắng, bại”, tình nghĩa ruột thịt cũng bị cắt đứt. Thậm chí ruột thịt còn đánh, chém nhau dẫn đến nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến gia đình, cộng đồng, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Những “vết thương” đau đớn sẽ kéo dài sang đời con, cháu.
Vậy nên, công tác hòa giải, “mở nút thắt” mâu thuẫn, để các bên đương sự đi đến tiếng nói chung, đặc biệt đừng để mất tình ruột thịt, được tòa án hết sức chú trọng. Đối với vụ án này cũng vậy, những người làm công tác xét xử sẽ dày công hòa giải, trước lúc căn cứ và áp dụng các quy định pháp luật dân sự để đưa ra phán quyết công minh, thấu tình, đạt lý.