ClockThứ Sáu, 07/07/2017 13:21

Cần thận trọng khi cho vay, mượn tài sản

TTH - Tin tưởng vào mối quan hệ quen thân, không ít người dễ dàng giao tài sản của mình cho người khác vay, mượn. Người vay, mượn sau đó lại nảy sinh tà ý, chiếm đoạt. Nhiều vụ dù bị cáo bị tù, bị tuyên buộc phải trả lại, nhưng tài sản đã “tiêu tan”. Nạn nhân thiệt hại vẫn hoàn thiệt hại. Đó là “vòng luẩn quẩn” trong các vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (LDTNCĐTS).

Từ “chủ nợ” trở thành nạn nhân

Phạm Văn Bé, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái Phong Quang, trong thời gian từ tháng 7/2009 đến tháng 11/2011, đã lợi dụng các mối quan hệ quen biết vay mượn, nhận tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối và bỏ trốn, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, bà Trương Thị Hương “mất vào tay” Bé tổng cộng hơn 7,5 tỷ đồng. Theo đó, năm 2009, Bé vay mượn tiền của bà Hương để làm ăn, lãi suất hai bên tự thỏa thuận. Từ năm 2010 đến tháng 4/2014, Bé tiếp tục mượn của bà Hương gần 7,6 tỷ đồng. Những lần mượn tiền này, Bé nói mục đích đáo hạn ngân hàng. Do không trả được nên Bé nợ bà Hương gốc và lãi hơn 13,5 tỷ đồng.

Chưa hết, ngày 13/3/2012, Bé lập hợp đồng mua bán cho bà Hương 5 ngôi nhà rường gỗ ở kho Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) của công ty do Bé thành lập và làm giám đốc, với giá gần 6,5 tỷ đồng. Số tiền này bà Hương thanh toán bằng cách trừ vào khoản nợ 13,5 tỷ đồng mà Bé vay mượn nói trên. Theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, bà Hương gửi lại 5 nhà rường gỗ tại kho của Bé và Bé có trách nhiệm quản lý. Khi nào bà Hương lấy thì Bé tiến hành các thủ tục xuất kho. Thế nhưng, sau đó Bé lại giao số nhà rường trên cho người khác để cấn trả nợ (những người này không biết nhà rường đó là của bà Hương).

Tương tự, bà Đoàn Thị Thương cho Bé mượn 5 lượng vàng SJC, lãi suất hai bên tự thỏa thuận. Trong giấy mượn, Bé cam kết đến ngày 14/12/2009 trả đủ cả gốc và lãi. Đến hạn, Bé không trả. Nhiều lần đòi nhưng không được, vì Bé tìm cách trốn tránh, bà Thương trình báo công an. Nhờ con gái 5 lần trả cho bà Thương 5 chỉ vàng, sau đó Bé bỏ trốn, chiếm đoạt của bà Thương 4,5 lượng vàng, trị giá hơn 160 triệu đồng. Tương tự, số tiền 520 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Gái đưa cho Bé, khó có “cơ hội” trả về “chính chủ”.

Trong những vụ án LDTNCĐTS mà TAND hai cấp thụ lý, xét xử nhiều năm qua, rất nhiều bị cáo chiếm đoạt tiền của nạn nhân, mà những số tiền này, ban đầu các bị cáo vay mượn, nhưng sau đó lại nảy sinh chiếm đoạt. Điều đáng nói, hầu hết những số tiền chiếm đoạt được đã “tiêu tan”, đối tượng không có tài sản để bồi thường. Nạn nhân coi như mất trắng.

Phải tuân theo các qui định của pháp luật

Ngoài tiền, vàng thì xe máy, xe ô tô, điện thoại…là những tài sản dễ trở thành “nạn nhân” trong những vụ lạm dụng tín nhiệm, mà hầu hết “thủ phạm” là lòng tin đặt không đúng chỗ hoặc sự thiếu cảnh giác của chủ tài sản. Như trường hợp Huỳnh Nguyễn Tài đến quán cà phê, rồi gọi điện thoại cho anh Ngô Hùng Phong rủ đến uống cùng. Anh Phong lái xe mô tô đến. Khoảng 30 phút sau Tài hỏi mượn xe của anh Phong đi chở một người bạn khác đến. Anh Phong đồng ý. Tài đi một đoạn thấy hết xăng nên vào cây xăng đổ xăng. Khi mở cốp xe, Tài phát hiện có giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe liền nảy sinh ý định chiếm đoạt xe. Tài đem xe và những giấy tờ trên, cầm 15 triệu đồng.

Theo quy định của BLHS: Hành vi phạm tội LDTNCĐTS là hành vi mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…

Vụ khác, Dương Văn Tuấn được chị Huỳnh Thị Ngọc Anh hợp đồng miệng giao xe ôtô để Tuấn lái chở khách du lịch với mức lương 2 triệu đồng/ tháng. Làm được một thời gian, nảy sinh ý định đem xe đi cầm lấy tiền đánh bạc, Tuấn đến tiệm cầm đồ nói xe ôtô của mình mới mua chưa sang tên, giấy tờ mua bán và giấy phép lái xe bị công an tỉnh Quảng Nam tạm giữ, rồi đưa ra giấy đăng ký xe tên Huỳnh Trung Chính, chứng minh nhân dân của Tuấn. Tin là xe của  Tuấn, nên chủ tiệm cho Tuấn cầm với số tiền hơn 332 triệu đồng...

Theo luật gia Hoàng Minh Tâm, Công ty Luật Thiên Hà: Cũng như tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là loại tội phạm thường xuyên xảy ra trong đời sống xã hội. Hai tội này có những đặc điểm tương đối giống nhau, nhất là về hành vi khách quan biểu hiện ra bên ngoài; còn khác nhau cơ bản về ý thức chủ quan của tội phạm, động cơ - mục đích - cái bên trong con người phạm tội- thường khó xác định. Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, cơ quan điều tra nói riêng bằng kiến thức pháp lý, khoa học hình sự, bằng mọi biện pháp hợp pháp do pháp luật qui định, sẽ làm rõ được từng loại tội phạm. Nhưng đối với người dân thông thường, khó nhận biết được, không thể biết hết được thủ đoạn của tội phạm.

Để phòng ngừa mình không bị người khác lừa đảo, hoặc bị LDTNCĐTS, thì bất kỳ ai cũng phải cảnh giác. Trong các giao dịch liên quan đến tài sản với đối tác là người lạ, kể cả với người quen, phải tuân theo các qui định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong giao dịch dân sự mà mình đã giao kết, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ thất thoát tài sản, bị mất mát tài sản do bị đối tác, người khác lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt, tránh những thiệt hại, hệ lụy cho bản thân, gia đình, xã hội.

Duy Trí

                                                                                    

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trung thực, khách quan trong kê khai tài sản, thu nhập

Kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của cán bộ, đảng viên là một trong những quy định của Đảng để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, cần tập trung tháo gỡ.

Trung thực, khách quan trong kê khai tài sản, thu nhập
Return to top