ClockThứ Sáu, 07/10/2016 13:51

Đất đai “cắt” tình máu mủ

TTH - Đưa nhau ra tòa, anh em ruột thịt không nhìn mặt nhau, tình ruột thịt bị cắt lìa. Đó là những câu chuyện buồn từ các vụ án yêu cầu chia di sản thừa kế.

Ruột thịt đưa nhau ra tòa

Ngày 28/9, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm một vụ án “phân chia di sản thừa kế”. Nguyên đơn là em trai. Bị đơn là anh. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm bốn anh chị em khác trong gia đình. Những người này xin vắng, chỉ nguyên đơn và bị đơn có mặt tại phiên tòa.

Theo nội dung án sơ thẩm, lời trình bày của nguyên đơn và bị đơn: Nguồn gốc diện tích hơn 200m2 tọa lạc tại phường Phú Nhuận, TP. Huế là của bố mẹ nguyên đơn và bị đơn tạo lập (bố mẹ nguyên đơn và bị đơn có 6 người con, 3 trai, 3 gái). người bố qua đời (không để lại di chúc). Trước khi qua đời (năm 2014), người mẹ để lại di chúc cho nguyên đơn được hưởng toàn bộ quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung với chồng.

Sau khi bố mẹ qua đời, 6 anh chị em công bố di chúc của mẹ. Tất cả nhất trí ký vào biên bản công bố di chúc và có xác nhận của chính quyền địa phương. Đối với phần di sản của người bố để lại (không có di chúc), cả 6 anh chị em thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Sau đó, nguyên đơn nhận thừa kế của mẹ theo di chúc. Sáu anh chị em, trong đó có nguyên đơn nhận thừa kế theo pháp luật đối với di sản do người cha để lại. Ngày 6/3/2015, UBND TP. Huế cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một thửa do nguyên đơn đứng tên. Thửa còn lại (và ngôi nhà cấp 4) do 6 anh chị em cùng đứng tên. Vậy nhưng, khi lập hồ sơ phân chia tài sản chung nêu trên cho nguyên đơn nhận một thửa, thửa còn lại nguyên đơn và 5 anh chị em cùng nhận, bị đơn lại không đồng ý. Do đó, nguyên đơn khởi kiện. Ba chị em gái cũng nhượng quyền thừa kế của mình cho nguyên đơn. “Cuộc chiến” giữa hai anh em ruột không dừng lại ở cấp sơ thẩm mà “kéo” lên cấp phúc thẩm.

Vụ khác (vụ thứ hai): Ngày 30/9, TAND TP. Huế xét xử (sơ thẩm) vụ án chia thừa kế (đối với quyền sử dụng hơn 1.200m2 đất do người mẹ đã qua đời không để lại di chúc). Trong sáu anh chị em, có năm chị em gái, chỉ duy nhất một người con trai (hiện gần 80 tuổi). Với suy nghĩ, con gái đi lấy chồng, theo chồng là “hết”, tài sản của cha mẹ chỉ mình con trai thừa hưởng đồng thời lo chuyện thờ cúng, người con trai “quản” hết đất đai, nhà cửa. Cách đây 12 năm, một người chị sau khi ly hôn, về xin 50m2 đất của cha mẹ để dựng nhà ở. Người em trai nhất quyết không cho. Bức xúc quá, mấy chị em gái đâm đơn ra tòa (nguyên đơn).

Giá như…

Lúc chưa đến giờ mở phiên tòa, phía nguyên đơn ngồi trên dãy ghế bên này cầu thang. Phía bên kia cầu thang là cha con bị đơn (bị đơn chỉ có một người con). Một nguyên đơn đã 85 tuổi tâm sự, bà nay tai đã lãng, mắt đã mờ, chỉ mong vụ án sớm được giải quyết dứt điểm. Trong 12 năm theo kiện tụng, người chị nghèo khổ (mà vợ chồng ly hôn) đã qua đời. Con trai của bà ấy cũng đã mất. Vợ bị đơn (tức em dâu của các bà) cũng qua đời. Nhưng sự mất mát đau đớn nhất là mất tình ruột thịt. “Nghĩ mình đi lấy chồng rồi thì thôi, chị em tui cũng không muốn chia chác đất đai. Ngặt là chị tui bị chồng bỏ, về chỉ xin có 50m2 làm nhà ở. Rứa mà hắn nhất quyết không cho. Tham đến nỗi chẳng nghĩ đến tình cảm ruột rà, buộc lòng tụi tui phải nhờ tòa”- bà lão 85 tuổi than thở.

Suốt thời gian tòa xét xử, bị đơn liên tục nêu ý kiến, không đồng ý chia thừa kế. Ông bảo “không chia, không cho gì hết. Tui con trai, tui hưởng, tui lo cúng giỗ”. Những người ruột thịt của ông liên tục lắc đầu ngao ngán: “Ông chỉ có một đứa con. Tham chi mà tham dữ rứa không biết. Hết tình máu mủ, chị em anh em mô có nhìn mặt nhau. Bao nhiêu năm ni, mỗi lần đến ngày giỗ cha mẹ, ông ta mô có cho tụi tui vô nhà thắp hương, cúng giỗ. Rứa là ông cúng ở nhà. Tụi tui phải gánh vật phẩm lên mộ cha mẹ để cúng. Tháng 10, tháng 11 âm lịch, mùa mưa gió, ướt hết cả. Khổ lắm”.

Tương tự, khi hội đồng xét xử (vụ chia thừa kế thứ nhất) nghị án, bị đơn (người anh) không một lần nhìn nguyên đơn, nhanh chóng ra khỏi phòng. Còn nguyên đơn khi kể về anh mình lại gọi “thằng nớ”. Ông bảo, khi cha mẹ già yếu đau bệnh, thì người anh này đòi bán đất để lấy tiền nuôi cha mẹ. Một mình ông dù tha phương tận TP. Hồ Chí Minh cực khổ mưu sinh, cũng ráng gửi mỗi tháng 10 triệu đồng về phụng dưỡng cha mẹ. Biết vợ chồng con cái ông cực khổ, mẹ mới di chúc phần tài sản của bà, đồng thời những người chị gái cũng nhường phần của mình (hưởng thừa kế theo pháp luật từ phần của cha). Nguyên đơn: ““Hắn” từng tuyên bố, hắn” thuê luật sư, thừa sức lấy lại đất. Ra đến đây rồi, có mô nữa mà còn tình nghĩa.

Giá như những người trong các vụ án nêu trên (nói riêng) và bất kỳ ai hiểu biết pháp luật, có ý thức, giữ gìn và coi trọng tình thân thì không thể xảy ra những câu chuyện buồn tài sản, đất đai “cắt” lìa tình ruột thịt, khiến gia đình“ung nhọt”, làm “gánh nặng” của xã hội.

Duy Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nỗi đau cảnh anh em “nồi da xáo thịt”

Tranh chấp thừa kế tài sản, phải đưa nhau ra tòa, khiến anh em máu mủ trong gia đình, dòng họ đánh mất tình thân đã là chuyện đau lòng. Đau lòng hơn, từ vụ án dân sự, nguyên đơn và bị đơn “bước sang” vụ án hình sự, một bên trở thành bị hại, bên kia là bị cáo; gây mất trật tự an toàn xã hội.

Nỗi đau cảnh anh em “nồi da xáo thịt”
Nỗi buồn còn vương

“Đằng sau” vụ án, là nỗi buồn day dứt; “nhắc nhở” cho tất cả mọi người, trong cuộc sống phải biết giải quyết mâu thuẫn bằng sự cảm thông, nhường nhịn, thấu tình, đạt lý, để tránh gây ra “vết thương” của những “tế bào xã hội” và cộng đồng.

Nỗi buồn còn vương
TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI Ở XÃ QUẢNG THÁI (QUẢNG ĐIỀN):
Ông Trần Văn Anh Tài có thể khởi kiện ra tòa

Ông Trần Văn Anh Tài (trú huyện Krông Ana, Đắk Lắk) phản ánh về việc UBND huyện Quảng Điền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đối với thửa đất có diện tích 1.100m2 ở thôn Trằm Ngang, xã Quảng Thái cho gia đình ông Trần Đức là không đúng.

Ông Trần Văn Anh Tài có thể khởi kiện ra tòa

TIN MỚI

Return to top