Trong vụ án tranh chấp thừa kế tài sản ấy, người mẹ là nguyên đơn. Bị đơn là con trai cả. Ngược thời gian, trở lại gần 50 năm trước, vào năm 1975, vợ chồng bà H. chung sống cùng nhau và đến ngày 1/12/2002, hai người đăng ký kết hôn. Quá trình chung sống, vợ chồng bà H. sinh được 4 người con; cùng nhau tạo lập được tài sản chung là nhà đất tại phường Phú Hiệp (nay là phường Gia Hội, TP. Huế) với diện tích gần 160m2.
Năm 2006, người cha qua đời, không để lại di chúc. Phần nhà, đất trên do người mẹ và các con cùng quản lý, sử dụng. Bà H. muốn phân chia di sản thừa kế, nhưng giữa bà và các con không thống nhất. Do đó, bà H. đã khởi kiện yêu cầu tòa án xác định phần tài sản của bà và chồng trong khối tài sản chung của ông bà; đồng thời chia di sản thừa kế của người chồng đã mất, theo quy định pháp luật. Bà H. xin nhận hiện vật, là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nói trên, còn mình thanh toán lại phần giá trị nhà đất cho các đồng thừa kế còn lại.
Trong 4 người con, ngoại trừ người con trai cả, những người con còn lại đều có ý kiến: Nếu chia thừa kế có kỷ phần mà mình nhận được, thì tự nguyện tặng lại cho mẹ, để mẹ toàn quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt.
Quá trình tòa án giải quyết vụ án, bị đơn (con trai cả) thống nhất với ý kiến của mẹ về thời điểm mở thừa kế, di sản thừa kế, hàng thừa kế của người cha; thống nhất quyền sở hữu nhà, đất nêu trên là tài sản chung mà cha mẹ tạo lập. Theo bị đơn, trong quá trình sinh sống thì cha mẹ đã cho vợ chồng con cái bị đơn ở tại một căn nhà riêng khoảng 38m². Căn nhà này do cha mẹ xây dựng lên, vợ chồng bị đơn không có cải tạo gì thêm.
Nay người mẹ khởi kiện yêu cầu chia thừa kế thì bị đơn không đồng ý chia thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản trên đất nói trên. Nếu phải chia thừa kế, thì bị đơn xin nhận bằng hiện vật, là phần quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với căn nhà riêng mà vợ chồng bị đơn đang sinh sống từ trước đến nay. Vì hiện nay vợ chồng bị đơn và 3 con nhỏ không có điều kiện để tạo lập chỗ ở khác; điều kiện kinh tế khó khăn không có khả năng để nhận toàn bộ di sản bằng hiện vật và hoàn lại giá trị cho những người đồng thừa kế còn lại.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật, tòa án cấp sơ thẩm, TAND TP. Huế đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của nguyên đơn (bà H.). Xác định di sản thừa kế của chồng bà H. để lại gồm ½ giá trị quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nêu trên, có tổng giá trị là gần 1,8 tỷ đồng; ghi nhận sự tự nguyện của các đồng thừa kế tặng cho giá trị kỷ phần thừa kế theo pháp luật của mình, cho bà H. được hưởng.
Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định: Giao cho bà H. được sở hữu toàn bộ quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tọa lạc phường Gia Hội, TP. Huế. Buộc bà H. phải có nghĩa vụ thanh toán cho bị đơn (con trai cả) số tiền gần 300 triệu đồng, là giá trị phân chia di sản của chồng bà để lại, mà bị đơn được hưởng; cho vợ chồng và các con bị đơn được quyền lưu cư thời gian là 5 tháng, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, để tạo chỗ ở mới. Hết thời hạn này, vợ chồng và các con bị đơn phải có nghĩa vụ giao lại nhà đất cho bà H.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bị đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm bác đơn khởi kiện của nguyên đơn, do đó TAND tỉnh một lần nữa đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, đã có rất nhiều nước mắt từ những ẩn ức của người mẹ, của con trai, con dâu, bao năm qua.
Xin tòa cho thời gian để bộc bạch với mẹ, con trai, con dâu đều khóc. Con trai: “Xin mẹ suy nghĩ lại, mẹ rút đơn. Mẹ nỡ lòng nào chia thừa kế, trong khi vợ chồng con không có điều kiện ra ngoài ở. Có gì trong cuộc sống xin mẹ bỏ qua”. Người vợ ngồi bên cạnh cũng liên tục giục chồng: “Xin mẹ đi, xin mẹ đi”. Đồng thời, chị cũng vừa khóc vừa nói: “Xin mẹ suy nghĩ lại, con có muốn giành giật cái gì đâu. Không có chỗ ở, thì ở với mẹ thôi mà”.
Hội đồng xét xử đã dành rất nhiều thời gian, cố gắng hòa giải. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa hỏi nguyên đơn, trước nguyện vọng của vợ chồng con trai như vậy, bà có thể suy nghĩ lại, rút đơn không? Nhưng người mẹ lắc đầu trong nước mắt. Bà bảo, không sống nổi với con dâu, nên mới đành phải nhờ tòa. “Hai chục năm trời tui không phải là mẹ chồng, mà tui như làm dâu…” - người mẹ lại rơi nước mắt.
Hòa giải không thành. Quyết định của hội đồng xét xử phúc thẩm là y án sơ thẩm. Phiên tòa kết thúc, vụ án khép lại. Nhưng “đằng sau” vụ án, là nỗi buồn day dứt; “nhắc nhở” cho tất cả mọi người, trong cuộc sống phải biết giải quyết mâu thuẫn bằng sự cảm thông, nhường nhịn, thấu tình, đạt lý, để tránh gây ra “vết thương” của những “tế bào xã hội” và cộng đồng.