Trong khi đánh ghen, chị T kể tội chị Q đã “giật” chồng mình (là anh G) gần 15 năm nay, mà người vợ “chính chủ” không hề hay biết. Bây giờ cùng lúc phát hiện ra mối quan hệ ngoài luồng của chồng, chị T còn cay đắng trước sự thật phũ phàng, chồng mình có đứa con gái đã 14 tuổi cùng với người đàn bà kia.
Theo lời kể của chị T: Năm 1993, chị T và anh G đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái. Ngôi nhà của gia đình họ ở phường V (TP Huế). Vậy mà bao nhiêu năm nay, anh ta cả gan “ăn vụng” ngay trong thành phố. Hai phường không cách nhau bao xa, vậy nhưng anh ta khéo “chùi mép”, đến mãi 15 năm sau vợ mới biết. Chị T đến tận nơi làm việc của chị Q để kiện tội “giật” chồng.
Tuy nhiên, “bị hại” kêu oan, đồng thời xuất trình chứng cứ. Lúc này, “chị cả” mới tá hỏa, vì “em hai” cũng có tờ “hôn thú” với chồng mình. Theo đó, giấy đăng ký kết hôn của chị Q và anh G đăng ký vào năm 1999 (sau thời điểm anh G đăng ký với chị T 6 năm. Cả hai giấy đăng ký kết hôn đều được thực hiện tại UBND xã, quê hương của anh G). Chị Q cho rằng, chị không hề biết anh G đã có vợ. Mối quan hệ của chị được pháp luật thừa nhận, bảo vệ nên chị chẳng có gì sai trái.
Giữa chị Q và anh G có đăng ký kết hôn. Chị Q cũng cho rằng, suốt thời gian qua chị không hề biết anh G đã và đang có vợ. Mặc dù vậy, sau khi vụ việc vỡ lở, nhiều câu hỏi đã đặt ra. Theo đó, có thể anh G lừa gạt chị Q, nhưng chẳng lẽ, suốt quá trình chung sống, có con với nhau, chị Q không lần nào về ra mắt cha mẹ chồng? Vợ chồng chị Q anh G không lần nào đưa con về thăm ông bà nội của cháu? Và chẳng lẽ hai bên gia đình sui gia (cha mẹ anh G và cha mẹ chị Q) không gặp gỡ, thăm hỏi nhau? Nếu có, chẳng lẽ cả cha mẹ anh G cũng làm “đồng phạm” để lừa gạt chị Q?
“Chuyện ba người” nói trên không chỉ dừng lại là câu chuyện của cá nhân chị T anh G và chị Q, mà ảnh hưởng đến xã hội và “đụng chạm” các quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật hình sự. Theo đó, ngoài việc các đương sự vi phạm chế độ một vợ một chồng sẽ bị xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 147 BLHS, mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Mặt khác, một người đàn ông cùng lúc đăng ký kết hôn, sống chung với hai người phụ nữ, đặt ra cho các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể nhiều vấn đề cần và phải lấp đi “lỗ hổng” trong khâu quản lý về hộ khẩu, hộ tịch, về lý lịch tư pháp và vấn đề đăng ký kết hôn trái pháp luật. Trong vụ việc nêu trên, cán bộ UBND xã nơi cấp hai giấy đăng ký kết hôn cũng có thể phải bị xử lý về hình sự. Bởi lẽ, tại Điều 149 BLHS, tội đăng ký kết hôn trái pháp luật, qui định: “Người nào có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn biết rõ là người xin đăng ký kết hôn không đủ điều kiện kết hôn mà vẫn đăng ký cho người đó, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Pháp luật hình sự đã có những quy định nghiêm khắc như vậy, chứng tỏ những “câu chuyện ba người” như nêu trên chẳng phải là “chuyện chơi”. Do đó, mỗi công dân hoặc người có trách nhiệm luôn phải tuân thủ theo pháp luật hôn nhân gia đình một mặt để tôn trọng bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình, mặt khác còn tránh tình trạng vi phạm pháp luật.