ClockThứ Bảy, 05/12/2020 14:45

Nỗi đau

TTH - Có những người mẹ phải tha thiết “xin” tòa xử tù con mình thật nặng. Đối với gia đình, xã hội, đó là nỗi đau, nỗi lo…

Con “dắt” cha vào tù

Trong phòng làm việc, trước mặt nữ thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Huế là một bà cụ 70 tuổi. Bà là bị hại trong vụ án “cố ý làm hư hỏng tài sản”, mà nữ thẩm phán được giao giải quyết. Gương mặt nhăn nheo khắc khổ, người bị hại, cũng là mẹ của bị cáo, nghẹn ngào mãi, không nói nên lời.

Vụ án đau lòng xảy ra vào một buổi tối. Sau khi uống bia, đứa con trai nhờ mẹ pha một bình nước đưa vào phòng cho mình. Bình nước “lỡ” nóng, chưa uống ngay được, nên anh ta tức giận ném xuống nền nhà. Trước thái độ hỗn xược của con, người mẹ la mắng, thì anh ta chạy xuống bếp lấy cây chày gỗ đập phá cánh cửa chính của nhà. Chưa hết, anh ta còn dùng dao rạch và chém vào xe mô tô của anh ruột, dùng giá sắt đánh vào phần đầu xe mô tô. Gia đình phải báo công an phường đến khống chế, đưa về trụ sở công an xử lý. Qua giám định, tổng giá trị tài sản bị hư hỏng gần 3 triệu đồng. 

Nữ thẩm phán đoán chừng, cũng như nhiều trường hợp khác, thể nào người mẹ này cũng nói đỡ, “xin xỏ” cho con mình được xem xét, giảm nhẹ hình phạt đến mức thấp nhất có thể. “Nhưng thật bất ngờ, bật khóc nức nở, bà cụ ấy đề nghị, không yêu cầu bị cáo bồi thường dân sự đối với những tài sản đã hư hỏng, bởi đến bây giờ đứa con 44 tuổi vẫn ăn bám, sống dựa vào cha, mẹ. Nhưng bà “xin” tòa xử tù thật nặng đối với hành vi vi phạm của đứa con trai. Bà ấy nói, đứa con trai ngỗ ngược này ngồi trong tù ngày nào, gia đình bà được yên ổn ngày đó. Vả lại cũng hy vọng, sau lần đi tù này nữa, con trai bà có tỉnh ngộ phần nào chăng”?- nữ thẩm phán kể lại.

Những dòng nước mắt không ngớt, “nói lên” lòng mẹ đang đau đớn đến nhường nào, khi bản thân phải “xin” tòa áp dụng mức hình phạt thật nghiêm khắc đối với con. Con trai bà mẹ ấy đã từng 5 lần bị phạt hành chính về các hành vi “hủy hại tài sản”, “gây rối trật tự công cộng”, “đánh nhau”, “dùng dao gây thương tích” và 1 lần bị phạt 9 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”. Quá trình nhân thân xấu như vậy, đến nay không chịu sửa đổi, mà còn hung hăng “không tha” cả người thân, là một mối lo không chỉ riêng gia đình mà cả cộng đồng, xã hội.

Cũng tại trụ sở TAND TP. Huế, trong phiên tòa xét xử bị cáo phạm tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”, mẹ của bị cáo đã “xin” hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc đối với con trai bà.

Năm nay 33 tuổi, nhưng đã có 20 năm nghiện ma túy, bị cáo từng 3 lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy”; năm 2012, bị TAND TP. Huế xử phạt 3 năm tù về tội này. Ngoài ra, bị cáo còn bị xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi “gây mất trật tự khu chung cư” và bị TAND tỉnh phạt 4 năm 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”.

“Gia đình tui quá khổ, quá đau lòng vì “hắn”. Không có cha mẹ nào muốn con mình phải ngồi tù. Nhưng riêng những trường hợp như con tui, nếu bị pháp luật xử mức án nghiêm, thi hành bản án thời gian càng dài, mới hy vọng có cơ hội “cắt” được ma túy”- mẹ bị cáo buồn bã trải lòng.

Theo nhiều thẩm phán có thâm niên, thực tế xét xử, không ít trường hợp đau lòng tương tự như những vụ án nêu trên. Và để hạn chế đến thấp nhất xảy ra những nỗi đau, nỗi lo cho cộng đồng, xã hội, gia đình phải nuôi dưỡng, giáo dục con cái đúng đắn, kịp thời có biện pháp điều chỉnh, đừng để đến lúc quá muộn mới “cầu cứu”, “giao phó” cho pháp luật…

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông phòng chống tội phạm ma túy nhân Ngày Pháp luật Việt Nam

Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, sáng 9/11, tại phường Thủy Lương, Viện KSND TX. Hương Thủy phối hợp Thị đoàn và Hội Luật gia thị xã tổ chức phiên toà giả định vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” nhằm tuyên truyền, phòng chống tội phạm phạm ma túy.

Truyền thông phòng chống tội phạm ma túy nhân Ngày Pháp luật Việt Nam
Nỗi đau cảnh anh em “nồi da xáo thịt”

Tranh chấp thừa kế tài sản, phải đưa nhau ra tòa, khiến anh em máu mủ trong gia đình, dòng họ đánh mất tình thân đã là chuyện đau lòng. Đau lòng hơn, từ vụ án dân sự, nguyên đơn và bị đơn “bước sang” vụ án hình sự, một bên trở thành bị hại, bên kia là bị cáo; gây mất trật tự an toàn xã hội.

Nỗi đau cảnh anh em “nồi da xáo thịt”
Return to top