Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Huế thụ lý, giải quyết vụ án “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự”. Nội dung vụ án: Nguyên đơn (bà V.) trình bày: Bản án hình sự sơ thẩm ngày 13/4/2015 của TAND tỉnh và bản án hình sự phúc thẩm ngày 26/8/2015 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xử phạt bà S. về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, buộc bà S. phải trả cho bà V. số tiền 4.275.000.000 đồng. Tiếp tục kê biên tài sản là nhà, đất và các tài sản khác gắn liền với đất tại 39A/135 Đặng Văn Ngữ, TP.Huế.
Sau khi các bản án phúc thẩm và sơ thẩm nêu trên có hiệu lực pháp luật, Cục thi hành án dân sự tỉnh đã tiến hành kê biên tài sản và giải quyết việc thi hành án về phần dân sự cho những người bị hại. Tuy nhiên, nhà đất tại 39A/135 đường Đặng Văn Ngữ, ngày 28/1/2013 bị vợ chồng bà S. chuyển nhượng cho ông Đ. bà D. (được Văn phòng Công chứng số 2 công chứng). Do vậy, Cục thi hành án dân sự tỉnh hướng dẫn cho bà V. có quyền yêu cầu TAND giải quyết tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên là vô hiệu; yêu cầu tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của bà S. (là người phải thi hành án) trong khối tài sản chung của vợ chồng, để thi hành án theo quy định.
Phía các bị đơn: ông H. (chồng bà S.) và ông Đ. bà D. (người nhận chuyển nhượng) đều cho rằng: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại 39A/135 Đặng Văn Ngữ, vào ngày 28/01/2013 tại Văn phòng Công chứng số 2 tỉnh giữa vợ chồng ông H., bà S. với ông Đ, bà D. là một giao dịch dân sự đúng quy định của pháp luật. Thời điểm giao kết hợp đồng không có tranh chấp hoặc có biện pháp ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền. Việc chuyển nhượng đã hoàn tất, các bên giao dịch đã chuyển giao nhà đất và tiền. Vì vậy, không có căn cứ để tòa án xem xét hủy hợp đồng chuyển nhượng trên. Đề nghị tòa xác định tài sản chuyển nhượng đã thực hiện trước khi có bản án sơ thẩm. Do đó theo quy định, tài sản này không thuộc đối tượng kê biên thi hành án đối với người có nghĩa vụ tài chính theo bản án có hiệu lực thi hành…
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng: Tại bản án hình sự phúc thẩm ngày 26/8/2015 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã nhận định: Trong khoảng thời gian từ ngày 1/01/2012 đến ngày 3/02/2013, bị cáo S. đã vay tiền, bốc hụi trả góp của 7 người bị hại với tổng số tiền 2.704.200.000 đồng; trong đó vay của bà V. 842.000.000 đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Ngoài ra, S. còn có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tổng số tiền 5.360.000.000 đồng (trong đó chiếm đoạt của bà V. 4.050.000.000 đồng). TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xử phạt bị cáo S. về các tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Quyết định kê biên tài sản như sau: Tiếp tục kê biên tài sản theo lệnh kê biên tài sản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh về đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại 39A/135 Đặng Văn Ngữ, thuộc quyền sở hữu và quyền sử dụng của vợ chồng ông H. và bà S., để đảm bảo thi hành án.
Hội đồng xét xử TAND TP. Huế xét thấy, bản án hình sự phúc thẩm nêu trên của TAND cấp cao đã xác định đây là hành vi tẩu tán tài sản của bà S., nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, nên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà V., tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 28/01/2013 giữa vợ chồng bà S., ông H. với ông Đ. và bà D. đã được công chứng, chứng thực tại Văn phòng Công chứng số 2 tỉnh, là vô hiệu. Theo đó, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Phân chia tài sản chung vợ chồng của ông H. bà S. là nhà và đất tọa lạc tại 39A/135 Đặng Văn Ngữ, mỗi người có quyền sở hữu 50% khối tài sản chung của vợ chồng. Phần quyền tài sản của bà S. được thi hành án theo bản án hình sự sơ thẩm ngày 13/4/2015 của TAND tỉnh và bản án hình sự phúc thẩm ngày 26/8/2015 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng.
Từ vụ án trên, có thể thấy hành vi tẩu tán tài sản không thể nào “qua mắt” pháp luật. Phần tài sản của bà S. phải được đưa ra thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với người bị hại.
Quỳnh Anh