ClockThứ Tư, 25/01/2017 13:52

Chạp đã,mới tết...

TTH - Tất cả đều đổi thay, duy chỉ có tấm lòng con cháu với tổ tiên, với làng nước thì không bao giờ thay đổi. Gì thì gì, phải về làng, phải chạp đã, lúc đó mới nghĩ đến chuyện tết nhất...

Chạp, đó là nói tắt, còn đầy đủ phải gọi là chạp mả. Sách vở thì phân định tảo mộ khác chạp mả khác, gọi chạp là do tục lệ này thường diễn ra vào tháng chạp, nhưng theo kinh nghiệm sở đắc cá nhân tôi thì dân ta rất ít người phân biệt tảo mộ với chạp mả, thời gian diễn ra cũng... lung tung xèng. Xứ này tháng này, xứ khác tháng kia. Riêng Hiền Lương quê tôi thì mặc định, các họ tộc trong làng tuần tự tổ chức chạp từ mồng 1 cho đến giữa tháng chạp thì xong.

Cúng Tổ tiên dịp chạp mả thường niên.

Là một trong những ngôi làng cổ xưa nhất xứ Đàng Trong xuất hiện từ buổi bình minh khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vượt Hoành sơn vào mở khai đế nghiệp, Hiền Lương nổi tiếng với nghề rèn “đứng đầu bách nghệ”. Làng nằm bên dòng Bồ giang hiền hòa quanh năm xanh mát. Theo thời gian, con dân trong làng tỏa đi làm ăn lập nghiệp khắp nơi. Nhưng, dù đi đâu ở đâu, mỗi năm tháng chạp đến, lòng người ai ai cũng ngóng về quê nhà, ở đó có mộ phần tổ tiên, ông bà, cha mẹ.... Bằng đủ mọi cách, họ phải lên đường thẳng hướng về làng, để được chăm sóc thăm viếng, để được dâng lên mộ phần tiên tổ mẹ cha một nén nhang thơm. Phải xong việc ấy mới có thể thanh thản yên lòng lo chuyện làm ăn tết nhất. Khác với nhiều nơi, nghĩa trang thường không xa khu dân cư lắm, ở quê tôi nghĩa trang của làng lại tọa lạc tại những “rú” cát trắng cách rất xa trung tâm làng. Cũng vì chôn cất ở vùng đất cát, nên các gia đình, họ tộc trong làng rất nghiêm cẩn trong việc chạp mả hàng năm. Bởi nếu lơi là, chỉ cần một thời gian ngắn, khi trở lại các ngôi mộ có thể đã bị gió mưa bào “tàn”, có khi mất dấu.

Còn nhớ sau ngày hòa bình lập lại, đất nước có những năm tháng rất nhọc nhằn gian khó. Để có được cái vé xe, vé tàu từ tỉnh này qua tỉnh khác là chuyện không dễ. Vậy nhưng, cứ đầu tháng chạp là nhà tôi không năm nào vắng khách. Ba mẹ tôi luôn dọn sẵn chỗ để đón các ông, các bác ở xa về. Họ lưu lại nhà tôi ở Huế một đêm, và sáng mai í ới gọi nhau bắt xe lam về làng thật sớm để kịp đi chạp. Cái tháng chạp ở Huế thường đúng dịp mưa gió não nề. Trời còn chưa rõ mặt, mọi người đã bắt đầu vác trang (một dụng cụ tương tự cái cuốc, nhưng cán dài, lưỡi ngắn và rộng) lên đường. Làng tôi hồi ấy chỉ toàn là đường đất, lầy lội và nhỏ hẹp. Từ làng lên đến nghĩa địa phải vừa đi vừa bấm chân cho khỏi trượt ngã, có khi mất 2-3 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Mộ nhiều, lại đa phần chưa được xây, nên nhà nào cũng phải chạp 2 ngày, một ngày gọi chạp bớt, nghĩa là làm trước đi một phần, hôm sau là ngày chạp chính thì ít việc lại để còn cúng kiếng, họp bàn chuyện nhà, chuyện họ... Đêm ở lại làng tuy cực nhưng vui khôn tả. Cực là bởi không điện đóm, ánh sáng chỉ là từ những ngọn đèn dầu tù mù và từ cái bếp “củi rơm” khi sáng bùng khi tắt ngóm. Ngủ thì ra đụn rơm rút rơm vào trải giữa nền nhà mà lăn. Mới nằm thì êm nhưng một chốc thì xót không chịu được. Rồi tế nhị nhưng bức thiết nhất là cái chuyện vệ sinh, ai nửa đêm mà lỡ bị sôi bụng sôi dạ thì ngao ngán ôi thôi. Còn vui thì vô kể: Cờ oi, cờ chồng, và vô số chuyện tiếu lâm trong lúc chờ khoai sắn, hay sang trọng nữa là nồi chè chín tới. Có một năm, tiếng ở làng nhưng “tậu” nồi khoai không ra. Đang buồn hiu thì chợt nhiên bắt gặp trên giàn bếp có rổ khoai từ (còn gọi là khoai chói), cứ nghĩ mấy bà cô...”bần tiện”, có của mà giấu kỹ không đãi con cháu. Mấy anh em tôi mang xuống đổ vô nồi nổi lửa cho... bõ ghét. Ai dè mấy bà cô phát hiện, kêu trời van đất: “Ui chao là hiện ngụy, khoai “chốn” (để giống) của người ta, bay đem nấu hết, sang năm tau lấy chi mà trồng?”. Mấy miếng khoai chưa kịp nuốt nghẹn ngang cổ tới chừ...

Mùa chạp, những rú cát làng tôi trở nên rộn ràng đông vui. Nhà nào đi chạp lực lượng cũng đủ 3 thế hệ: lớp các cụ, lớp trung-thanh niên, lớp thiếu niên cùng... con nít. Các cụ thì đi để vừa chỉ dẫn, kiểm tra xem người nhà có tìm đúng, có bỏ sót mộ hay không, vừa kể cho con cháu nghe về mối quan hệ và hành trạng của những “các ngài” đang yên nghỉ dưới các ngôi mộ. Lớp trung-thanh niên thì lo làm cỏ, kéo cát đắp mộ. Còn lớp “lau hau” thì chủ yếu là chạy loăng quăng quậy phá; vậy mà đến một lúc, chúng lại rành rẽ chuyện đường sá, chạp giỗ bao giờ không hay. Người làng tôi bao đời rồi vẫn trao truyền trách nhiệm cho lớp hậu bối như vậy.

Làng tôi bây giờ đã đổi thay thật nhiều. Những con đường lầy lội nhỏ hẹp ngày xưa đã được thay bằng những con đường bê tông sạch đẹp. Xưa, lếch thếch lội bộ đến mấy tiếng đồng hồ mới tới rú, đến nơi thì đã mệt phờ người. Nay cưỡi xe máy, loáng cái là đã tới nơi. Chạp về có nước máy để tắm rửa, ban đêm điện đóm sáng choang-điều mà trước đây cứ nghĩ... muôn đời đừng mơ. Có ti vi, wifi phục vụ 24/24... Cỗ chạp xưa có heo xôi là thấy quá sang trọng. Còn rượu bia là thứ gì đó đầy... “mê tín”. Nay cỗ chạp cũng dọn món hoành tráng như tiệc cưới ở thành phố, bia bọt thì bát ngát đến nỗi phải nhắc nhau đừng để quá chén, nhỡ ra đường... công an phạt. Tất cả đều đổi thay, duy chỉ có tấm lòng con cháu với tổ tiên, với làng nước thì không bao giờ thay đổi. Mỗi năm một lần, gì thì gì, phải về làng, phải chạp đã, lúc đó mới nghĩ đến chuyện tết nhất...

Bài, ảnh: Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị xã trẻ

Đi trên những con đường mới, ngắm nhìn những ngôi nhà dáng vẻ hiện đại và không ít công trình phúc lợi dân sinh bề thế hiện hữu ở Phong Điền cho thấy nơi đây đang vươn mình mạnh mẽ, xứng tầm đô thị động lực phía bắc của tỉnh.

Thị xã trẻ
Đổi thay tại Trường mầm non Phong Hiền II

Huy động tốt nguồn lực từ xã hội hóa, sự chung tay góp sức của địa phương, phụ huynh và cán bộ, giáo viên trong trường đã giúp Trường mầm non Phong Hiền II từ một điểm trường “trắng” về thành tích trở thành trường đạt chuẩn Quốc gia và hai lần nhận cờ thi đua của UBND tỉnh.

Đổi thay tại Trường mầm non Phong Hiền II
Tấm lòng của vị đại quan Triều Nguyễn qua một lá thư riêng

Trong và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, với chính sách Đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều đại quan Triều Nguyễn đã ra Việt Bắc, đảm nhiệm cương vị mới trong Chính phủ kháng chiến như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe…

Tấm lòng của vị đại quan Triều Nguyễn qua một lá thư riêng
Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Trên nhật báo Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân, xuất bản tại Huế, có in bức thư của Hồ Chủ tịch, đề ngày 4/12/1945, gửi các chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ...

Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
Return to top