ClockThứ Năm, 29/08/2024 06:42

Tấm lòng của vị đại quan Triều Nguyễn qua một lá thư riêng

TTH - Trong và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, với chính sách Đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều đại quan Triều Nguyễn đã ra Việt Bắc, đảm nhiệm cương vị mới trong Chính phủ kháng chiến như Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe…
 Trích nguyên văn di bút “Thư gửi con trai”. Ảnh: Tư liệu của tác giả

Theo nhà văn - Anh hùng lao động Sơn Tùng, tác giả nhiều tác phẩm viết về Cụ Hồ, ông đã trực tiếp biết rõ Cụ Hồ đã cử cụ Phạm Khắc Hòe vào Liên khu IV chuyển lời mời cụ Nguyễn Khắc Niêm ra Việt Bắc. Cụ Niêm đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ – gọi là Hoàng Giáp, năm 1907,  từng ngồi ghế Phủ Doãn Thừa Thiên 2 lần (1936 và 1938), là tác giả 4 câu đối hiện còn trên 4 cột trụ Thương Bạc. Sau khi được cử làm Quyền Tổng đốc Thanh Hóa, chán cảnh quan trường thuộc địa, cụ xin về nghỉ hưu sớm ở quê nhà lúc 56 tuổi (1942).

Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân của Chính phủ Cụ Hồ, không ít vị nhân sĩ ở miền Trung cũng được mời ra Việt Bắc dịp này như cụ Phó bảng Phan Võ, cụ Cử Nguyễn Đình Ngân… Tuy vậy, ông Lê Hữu Quán (1913 - 2000), một nhà ngoại giao lão thành, trong dịp về thăm quê đã hỏi cụ Nguyễn Khắc Niêm vì sao dạo đó cụ không ra Việt Bắc. Cụ trả lời, đại ý: “Việt Minh làm cách mạng thành công rồi, mình là quan chức chế độ cũ, sợ chẳng đóng góp được gì nhiều, đi ra Chính phủ lại phải đài thọ tốn kém. Thôi, ở nhà sức mình có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu”. Thế là, cụ Nguyễn Khắc Niêm ở lại quê nhà nên mới có chuyện lá thư riêng gửi cho con trai là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện dưới đây.

Thời gian qua, một số báo chí khi nói đến cụ Nguyễn Khắc Niêm, chỉ nhắc “Tứ tôn châm” mà cụ dâng lên vua Thành Thái do “nhiều người coi đây là phương châm “trị quốc”!. Thiên hạ bảo đó là “16 chữ vàng tôn vinh tư chất đẹp của người Việt” như nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã viết trong bài “Đọc “Tứ tôn châm”, ngẫm về lời dạy của Bác Hồ kính yêu” đăng trên “Người làm báo” ngày 30/7/2018. (“Tứ tôn châm” nguyên văn chữ Hán: “Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy”). “Thư gửi con trai ở Pháp” còn ít người biết do chưa có điều kiện phổ biến.

Lá thư riêng, nhưng gợi cho chúng ta suy ngẫm đến những điều cũng rất có ý nghĩa. Thư viết ngày 1/6/1950. Lúc đó, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sau gần 10 năm nằm bệnh viện do bị lao phổi, nhờ tập luyện dưỡng sinh đã dần hồi phục, bắt đầu đảm nhiệm một số công việc trong tổ chức Việt kiều yêu nước. Trong thư, cụ Niêm xưng “Thầy”, do cụ từng nhiều năm làm “học quan” – có thời gian làm Tư nghiệp (“Hiệu phó”) trường Quốc Tử giám Huế, nên các con gọi bố là “Thầy”.

Mở đầu thư, cụ Niêm viết: “Những cái thư con viết kỳ tháng 5/48, tháng 6/49, và cái thư con viết cho em Phương Thảo kỳ tháng 9/49, thầy đều tiếp được cả, biết rằng con ở bên ấy nay đã lành mạnh và có học hỏi thêm được nhiều, thầy và tất cả bà con lấy làm mừng lắm. Năm trước thầy có thấy mấy bài con viết trong tờ báo Nam - Việt do ông Võ Quý Huân đưa về, gần đây lại thấy quyển “Chống giáo dục thụ động” của ông Hoàng Xuân Nhị xuất bản ở Nam Bộ, biết được cái tư tưởng mới mẻ và tinh thần hăng hái của con, thầy lại càng mừng thêm. Thầy tuy rằng tuổi già, nhưng được trông thấy công cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc, và tin tưởng vào sự thắng lợi hoàn toàn đã gần tới, rất lấy làm vui thích nên chi tinh thần khí lực vẫn được mạnh luôn, lâu nay có tham gia ít nhiều trong công cuộc kháng chiến, như là sung vào Hội đồng nhân dân ở xã, giúp việc Hội phụ lão Kháng chiến ở huyện. Chi hội Văn hóa ở tỉnh, Ủy viên Hội Liên Việt ở Liên khu IV…”.

Xem ra trong điều kiện liên lạc khó khăn thời kháng chiến, vị đại quan hồi hưu sớm và cậu công tử - bác sĩ - đảng viên cộng sản Pháp vẫn gắn bó với nhau!

Đoạn thư nói trên không chỉ thể hiện sự quan tâm của cụ Niêm với các hoạt động yêu nước của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ở Pháp, mà đã mạnh mẽ bày tỏ quan điểm và lòng tin của mình đối với công cuộc kháng chiến. Năm 1950, thời điểm cụ Niêm viết thư gửi con, biên giới phía bắc mới được khai thông, cuộc kháng chiến còn vô vàn gian nan, một số nhân sĩ, trí thức vẫn rời bỏ vùng kháng chiến, “dinh tê” theo chính quyền “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại do Pháp dựng nên năm 1949. Trong tình hình đó, một đại khoa - đại quan như cụ Nguyễn Khắc Niêm lại tôn vinh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là “Công cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc” và không ngần ngại khẳng định lòng “tin tưởng vào sự thắng lợi hoàn toàn đã gần tới”.

Xin được lưu ý, đây chỉ là thư riêng bố nói với con ở xa, là tấm lòng chân thật của mình, chứ không phải là ngôn ngữ thường phải cân nhắc, gọt dũa cẩn thận khi công bố rộng rãi. Điều đó không chỉ khẳng định lòng yêu nước nhiệt thành của vị đại quan Triều Nguyễn mà là bằng chứng sinh động về sức mạnh, sự lôi cuốn công chúng đông đảo của đường lối, chính sách đại đoàn kết toàn dân của Chính phủ Cụ Hồ.

Đoạn cuối thư, cụ Niêm viết:

“…Con cứ chăm bề bảo dưỡng sức khỏe, không nên làm việc quá chừng, để cho được thiệt lành mạnh, nay mai về nước, đưa một ít tài học giúp vào công cuộc kiến thiết của nước nhà, cho thỏa lòng trông đợi của thầy, của bà con và của bè bạn, như lời con đã hứa trong thư trước…”.

Mùa thu 1953, cụ Hoàng Giáp còn viết bài thơ “Mừng tết Trung thu” với hai câu kết: “Đến Tết năm sau/ Bác về Thủ đô”!

 Cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm đi xa đã tròn 70 năm (1954 - 2024). Thời gian đã chứng minh lòng tin - đồng thời là sự tiên đoán của cụ “ngày xưa” đã đúng như lòng cụ mong đợi. Cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm thắng lợi và Chính phủ Cụ Hồ đã trở về Hà Nội đúng mùa thu - ngày 10/10/1954. Và điều Cụ mong đợi người con cả ở trời Tây xa xôi, trong điều kiện bệnh tật hiểm nghèo, tưởng đã tử vong mấy lần trên bàn mổ, năm 1963 trở về nước, sống thêm hơn 30 năm nữa và đã có những cống hiến không nhỏ trong lĩnh vực khoa học, văn hóa đối ngoại, nên đã được Viện Hàn lâm Pháp tặng giải thưởng lớn và Chính phủ Việt Nam ta tặng Giải thưởng Nhà nước và Huân chương Độc lập hạng Nhất. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang và nhiều nơi khác đã có tên đường Nguyễn Khắc Viện. Điều thú vị là mới đây, tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), lần đầu tiên có tên đường Nguyễn Khắc Viện và đường Nguyễn Khắc Niêm song song với nhau!

Những tư liệu kể trên chỉ là chuyện nhỏ bên lề, nhưng làm đẹp thêm cho những trang chính sử của đất nước…

(Tư liệu trong bài được dẫn từ sách “Thỏa lòng trông đợi” – NXB Thuận Hóa, tháng 7/2024)

Trung Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Trên nhật báo Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân, xuất bản tại Huế, có in bức thư của Hồ Chủ tịch, đề ngày 4/12/1945, gửi các chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ...

Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
Tri ân bằng cả tấm lòng

Đảng ủy, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Hương Trà luôn chú trọng công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” bằng việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng chính sách nghèo, phụng dưỡng, chăm sóc các Mẹ Việt Nam anh hùng, tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ... Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị.

Tri ân bằng cả tấm lòng
Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế

Những người tôi đã gặp có những hoàn cảnh, công việc khác nhau, nhưng có một điểm chung là sống vì cộng đồng, không tiếc sức, tiếc của riêng góp phần mở đường giao thông, làm thay đổi diện mạo đời sống ở địa phương.

Những “trái ngọt” từ tấm lòng tử tế
Những tấm lòng thơm thảo

Họ vừa là thầy, cô giáo vừa là người bà, người cô, người mẹ, người cha, người anh, người chị có tấm lòng thơm thảo đối với các trẻ em nghèo, khó khăn, khuyết tật trong cuộc sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trung tâm chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Những tấm lòng thơm thảo
Những tấm lòng hiến tặng hiện vật

Có vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh dù tuổi đã cao, sức yếu, hay những bà mẹ ở tận các xã vùng cao A Lưới đã tìm về Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế để hiến tặng những kỷ vật là hành trang quý giá đời mình, được gìn giữ qua những năm tháng chiến tranh vô cùng gian khổ.

Những tấm lòng hiến tặng hiện vật

TIN MỚI

Return to top