|
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ tư được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: baochinhphu.vn |
Sông Mê Kông - Lan Thương bắt nguồn từ dãy núi Tanggula, dòng chảy xuyên qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, đã nuôi dưỡng hàng trăm triệu người dân trong lưu vực và nền văn hóa độc đáo nhưng cũng tương đồng của các nước Mekong - Lan Thương. Cùng uống chung một dòng sông, vận mệnh gắn liền với nhau. Mối liên hệ về địa lý, nhu cầu phát triển thực tế và những rủi ro, thách thức chung đã đoàn kết sáu nước chặt chẽ, Hợp tác Mekong - Lan Thương ra đời. Trong 8 năm kể từ khi ra mắt, Hợp tác Mekong - Lan Thương đã phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trở thành “Thương hiệu Vàng” hợp tác khu vực có sức sống và tiềm năng phát triển nhất.
Trung Quốc và các nước sông Mê Kông đã thường xuyên trao đổi để định hướng Hợp tác Mekong - Lan Thương xác định 3 trụ cột về: chính trị và an ninh, kinh tế và phát triển bền vững, xã hội văn hóa và giao lưu con người với 5 phương hướng ưu tiên là: kết nối, năng lực sản xuất, kinh tế xuyên biên giới, tài nguyên nước, nông nghiệp và giảm nghèo và tiếp tục mở rộng các lĩnh vực hợp tác mới. Tại Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ tư được tổ chức vào cuối năm ngoái, các lãnh đạo sáu nước cùng nhau lập kế hoạch hợp tác mới, công bố “Kế hoạch hành động hợp tác Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023 - 2027”, nhất trí thúc đẩy hơn nữa việc làm sâu sắc và củng cố Hợp tác Mekong - Lan Thương, tạo ra vành đai phát triển kinh tế và xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương.
Hợp tác Mekong - Lan Thương mở cửa và bao dung thúc đẩy giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Đây là một khuôn khổ hợp tác do sáu nước cùng bàn bạc, cùng xây dựng, cùng chia sẻ, tuân thủ tinh thần mở cửa, bao dung và hợp tác cùng có lợi, tích cực thúc đẩy hợp tác với ASEAN, Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Kông mở rộng, Ủy hội sông Mê Kông và các cơ chế khác để học hỏi và thúc đẩy lẫn nhau, phối hợp phát triển và hoan nghênh sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế như Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, để cùng nhau nỗ lực thúc đẩy phát triển và mang lại lợi ích cho người dân của các nước trong lưu vực.
Vào cuối năm ngoái, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng tuyên bố xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu rằng Trung Quốc và các nước Mê Kông đã thực hiện toàn diện việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai ở cấp độ song phương, và thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa các nước Mekong - Lan Thương có tiến triển mới. Khu vực miền Trung Việt Nam có lợi thế địa lý vượt trội và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực như du lịch, logistics, năng lượng sạch, chuyển đổi số, rất phù hợp với phương hướng thúc đẩy trọng điểm tiếp theo của cơ chế Hợp tác Mekong - Lan Thương.