Không gian đô thị Huế được mở rộng hơn 3,7 lần. Ảnh: TUẤN KIỆT
Ông Trần Đình Việt, Bí thư Chi bộ tổ 8, phường Thuận Thành, TP. Huế:
Kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư lớn đến Huế
Ông Trần Đình Việt
Việc được Trung ương ban hành Nghị quyết 54, đồng ý chủ trương xây dựng Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với đó là mở rộng thành phố là chủ trương rất hợp lòng dân, đi đâu ai cũng thảo luận và kỳ vọng rất nhiều. Thành phố được mở rộng sẽ giúp bộ mặt của tỉnh đẹp hơn; cơ hội để các khu công nghiệp, nhà máy phát triển; khẳng định được vai trò, vị thế của tỉnh nhà…
Riêng các phường được sáp nhập khi mở rộng thành phố là để đảm bảo phường thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đủ về dân số, diện tích tự nhiên. Với việc hợp nhất hai phường Thuận Thành và Phú Hòa thành phường Đông Ba từ ngày 1/7/2021, kỳ vọng sẽ có những chuyển biến mới, kinh tế - xã hội của phường ngày càng phát triển.
Là người dân Huế, rất tự hào khi sống trong một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh rất đẹp… Tôi cũng có dịp đi một số nơi, thấy sự đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng, giao thông ở các tỉnh, thành rất nhanh và quy mô. Thời gian gần đây, tỉnh có khá nhiều dự án đầu tư trên các lĩnh vực, tuy nhiên vẫn còn thiếu các dự án quy mô lớn. Do đó, hy vọng bước sang một giai đoạn mới, Huế có những cơ chế, chính sách tốt để thu hút được nhiều nhà đầu tư với những dự án lớn hơn nữa.
Ông Nguyễn Doãn Phúc, người dân phường Hương Vinh (Hương Trà):
Mong được đầu tư hạ tầng
Ông Nguyễn Doãn Phúc
Trước đây, Hương Vinh cũng trực thuộc TP. Huế, sau 30 năm (từ 1991) trở thành xã của thị xã Hương Trà, đến nay, địa phương lại “châu về hợp phố”.
Hy vọng từ nông thôn lên thành thị, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên. Chúng tôi cũng sẽ phấn đấu xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế để để xứng tầm với các địa phương bạn.
Tuy vậy, người dân có những trăn trở, như việc chuyển đổi giấy tờ thủ tục từ xã lên phường. Theo đó, phải mất phí, thời gian để thực hiện nên mong tỉnh, thành phố tạo điều kiện cũng như hỗ trợ kinh phí trong việc làm lại các giấy tờ thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng minh, hộ khẩu…
Là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của thị xã Hương Trà, nhưng về tổng thể, hạ tầng từ điện - đường - trường - trạm của Hương Vinh chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều công trình đã xuống cấp. Trụ sở UBND xã, nhiều phòng ban đoàn thể phải làm việc chung, khu vực hành chính công cũng rất chật hẹp.
Nằm ở vùng thấp trũng “chưa mưa đã ngập”, hệ thống đường giao thông của địa phương có nhiều tuyến đã xuống cấp rất cần được nâng cấp.
Ý thức vệ sinh môi trường của người dân chưa cao, trong khi quy mô dân số của phường là hơn 15.600 người. Vì vậy, mong khi lên phường, việc thu gom rác được Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế thực hiện hàng ngày để đảm bảo vệ sinh môi trường (hiện đang thu gom 2 ngày/lần).
Tại Hương Vinh, dự án nâng cấp phố cổ Bao Vinh quy hoạch treo đã hơn 20 năm, người dân trông ngóng tỉnh, thành phố sớm đầu tư để tạo diện mạo mới cho phường cũng như tạo thuận lợi cho người dân được nâng cấp, cải tạo nhà ở hay phân lô, tách thửa cho con cái...
Ông Võ Văn Ngọc Vinh, thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng (Phú Vang):
Đời sống kinh tế, văn hóa sẽ được “nâng tầm”
Ông Võ Văn Ngọc Vinh
Trước sự kiện xã Phú Thượng sáp nhập vào TP. Huế, cũng như tâm trạng chung của người dân trên địa bàn, bản thân tôi rất phấn khởi. Bởi vì đời sống kinh tế, văn hóa sẽ được “nâng tầm”. Tôi nghĩ rằng, hạ tầng cơ sở, đường sá sẽ được đầu tư “sâu” hơn, vấn đề môi trường cũng được chú trọng một cách bài bản hơn.
Thời gian qua, với nỗ lực xây dựng nông thôn mới, xã Phú Thượng đã có rất nhiều cố gắng trong làm sạch môi trường. Tuy nhiên vấn đề thu dọn, xử lý rác thải vẫn chưa hoàn toàn như mong đợi. Với bước ngoặt quan trọng - được “lên thành phố”, chúng tôi mong rằng, hệ thống xử lý rác thải trên địa bàn được đầu tư đầy đủ, đồng bộ hơn, từ đó vấn đề vệ sinh môi trường được giải quyết triệt để hơn. Người dân cũng cần nâng cao ý thức, chung tay với chính quyền để thực hiện tốt vấn đề này.
Tôi cũng mong, hệ thống cống ở thôn Tây Thượng được đầu tư, tránh tình trạng các hộ dân xả nước thải ra đường hoặc xả xuống kênh, rất nhếch nhác, gây ô nhiễm và kênh Nam Phổ trên địa bàn được đầu tư xây kè, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.
Hồ Thị Minh Thư, Chi hội trưởng Hội phụ nữ thôn Xuân Hòa, xã Thủy Vân (Hương Thủy):
Chất lượng cuộc sống sẽ tăng
Bà Hồ Thị Minh Thư
Đi đâu và ngồi đâu, chuyện “lên thành phố” cũng được bà con bàn tán với tâm trạng vui mừng và hy vọng. Hy vọng vì khi “lên” thành phố, những cụm dân cư của xã sẽ được quy hoạch lại để đầu tư xứng tầm.
Sẽ có nhiều cái được, rõ nhất là ở lĩnh vực giáo dục, y tế sẽ được đầu tư. Chúng tôi cũng mong mỏi, khi lên phường, hạ tầng cơ sở (điện, đường, trường) sẽ được đầu tư xứng tầm, chất lượng cuộc sống sẽ tăng.
Tuy nhiên, đời sống của người dân cũng phần nào có xáo trộn. Với khoảng 50% người dân làm nghề nông, họ đang lo lắng khi diện tích nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để nhường đất xây dựng đô thị, khu dân cư. Người có đất để bán có thể sẽ vui khi giá đất đang tăng cao, nhưng không còn ruộng đồng, họ cũng canh cánh nỗi lo về việc làm, nguồn thu nhập ổn định. Thế nên, chúng tôi mong nhất là sau khi “lên”, người dân sẽ được quan tâm tạo việc làm, nâng cao đời sống.
NHÓM PV - CTV (Thực hiện)