EU là một trong những thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam, trong đó những mặt hàng có thế mạnh là dệt may và hàng nông lâm thủy sản. Từ năm 2015 đến 2018, mức tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này trên hai con số (trừ năm 2016 là 8,93%). Đây là mức tăng trưởng khá cao. Năm 2019 vừa qua, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU đạt hơn 56,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 41,5 tỷ USD. Tất nhiên hàng xuất vào EU không phải chỉ hai mặt hàng nói trên mà còn nhiều mặt hàng khác.
Người ta kỳ vọng vào sự hưởng lợi của hàng dệt may vì đây là mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam. Đối với Thừa Thiên Huế, ngành hàng này cũng là một thế mạnh, chiếm đến 70 -80% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. “Độ mở” của hiệp định cũng rộng hơn nhiều hiệp định khác. EVFTA quy định, hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam chỉ qua 2 công đoạn, tức là đi từ vải. Nó khác với Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là 3 công đoạn, đi từ sợi và nội khối. Năm 2019 hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào EU chỉ đạt 4,4 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành là 39 tỷ USD. Từ trước đến nay, chỉ có 42% kim ngạch của Việt Nam xuất sang EU được hưởng mức thuế 0% theo chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập. Như vậy, chúng ta có thể hình dung gần 60% kim ngạch còn lại sẽ được hưởng ưu đãi thuế trong thời gian tới khi EVFTA có hiệu lực. Nếu giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng lên thì giá trị ưu đãi được hưởng sẽ tăng lên.
Ngành thứ hai kỳ vọng được hưởng lợi nhiều nữa là nông lâm thủy sản. Là một đất nước vùng nhiệt đới có thế mạnh về nông nghiệp (nói chung). Xuất khẩu gạo hiện tại chúng ta đứng top đầu thế giới. Các sản phẩm cây công nghiệp khác cũng vậy. Đặc biệt là các loại cây ăn trái, hàng thủy sản. Ngành nông nghiệp của chúng ta những năm gần đây đã hướng vào nâng cao chất; đảm bảo ngày càng tốt hơn các yếu tố sản xuất an toàn và truy xuất nguồn gốc, về việc tuân thủ những quy định liên quan vệ sinh, môi trường, lao động... Đây là những điều kiện rất quan trọng để tiếp cận được thị trường hết sức khó tính của EU. Năm 2019, ngành hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào khối này đạt khoảng 41,3 tỷ USD.
Nói thì nói vậy, tuy có nhiều lợi thế nhưng chúng ta cần biết trong bối cảnh không phải một mình một chợ mà luôn luôn đặt trong sự cạnh tranh gay gắt. Giảm thuế quan chỉ tạo ra một lợi thế. Điều quan trọng nhất là chất lượng, giá cả, quy trình sản xuất, chế biến tiên tiến; trích xuất nguồn gốc dễ dàng… Những điều này Việt Nam còn cần phải hoàn thiện nhiều.
Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, ngày 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiệp định EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư) và Hiệp định EVFTA. Đây là điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Nguyên Lê