ClockThứ Ba, 04/04/2023 06:51

Cốc Bai: Trận vây ép dài nhất ở chiến trường Thừa Thiên Huế - kỳ 2: Quyết giữ vòng vây

Cốc Bai: Trận vây ép dài nhất ở chiến trường Thừa Thiên Huế - kỳ 1: Đòn đánh bất ngờ

Trước chuyển biến của tình hình, Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên quyết định kéo dài chiến dịch sang mùa mưa, nhằm thu hút, tiêu hao sinh lực đối phương...

Giai đoạn  II của chiến dịch Cốc Bai được mở đầu bằng trận tập kích vào điểm cao Cóc Tôn Phát của Đại đội 3 Tiểu đoàn 7B Đặc công vào sáng ngày 25/8.

Trận đánh táo bạo này không chỉ loại bỏ ngoài vòng chiến đấu hơn 100 binh sĩ, mà còn xóa sổ sở chỉ huy của Tiểu đoàn 2/I; số binh sĩ còn lại tháo chạy sang cao điểm Cóc Pe Lai bị cối bắn truy kích.

leftcenterrightdel
Một căn cứ bị pháo kích. Ảnh: Tư liệu 

Do bị thiệt hại nặng nên Tiểu đoàn này lại được đưa về Phú Bài củng cố, đồng thời Trung đoàn I phải điều Tiểu đoàn 1 lên thay.

Khi vừa đổ quân, Tiểu đoàn này lãnh trọn 50 quả đạn cối. Thêm 1 máy bay bị cháy và nhiều binh sĩ thương vong.

Ở đông nam Cốc Bai, Tiểu đoàn 3/I  Quân đội Sài Gòn cho 2 đại đội tấn công chốt của Đại đội 11 Tiểu đoàn 9/3 Quân giải phóng. Đại đội triển khai 3 cánh và đồng loạt nổ súng làm cho Sĩ quan chỉ huy và nhiều binh sĩ của 2 đại đội này thương vong; số sống sót tháo chạy về cao điểm 797 lại bị Đại đội 10 Tiểu đoàn 9/3 đón lõng, chỉ còn rất ít binh sĩ sống sót về được căn cứ Cốc Bai.

Trong khi đó nhiều cuộc giao tranh diễn ra ở vùng Cóc Pe Lai, Pe Lai Nam, cao điểm 805.

Tại Cóc Pe Lai, Tiểu đoàn 7/3 do Tăng Văn Miêu chỉ huy (sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 3) đã đánh 2 trận.

Trận đầu diễn ra ngày 3/9 ở hướng tây - nam gây tổn thất nặng cho 2 đại đội của Tiểu đoàn 1/I Quân đội Sài Gòn.

Đối phương huy động trực thăng bắn trả. Trong trận này, Tiểu đoàn trưởng Tăng Văn Miêu và Chính trị viên Nguyễn Thái bị thương nhẹ.

Trận thứ hai diễn ra vào ngày 11/9 trên  tuyến đường từ cao điểm 602 đến Cóc Pe Lai, đợi đối phương lọt vào trận địa giăng sẵn, Tiểu đoàn 7 nổ súng.

Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/I Quân đội Sài Gòn thiệt mạng, 2 binh sĩ bị bắt, 3 đại đội bị thương vong nặng buộc Trung đoàn I Sư đoàn I Quân đội Sài Gòn đưa Tiểu đoàn 4 lên thay.

Sau khi đổ quân xuống phía nam Cốc Bai, 2 đại đội của tiểu đoàn này đang  hành quân đã bị Đại đội 6 của Tiểu doàn 8/3 chặn đánh, 3 máy may trực thăng đến yễm trợ bị bắn rơi.

Theo Lịch sử Trung đoàn 3/324:

Chỉ trong tuần đầu của giai đoạn II, Trung đoàn đã đánh 25 trận lớn, nhỏ bằng cả hỏa lực và sung lực, diệt hàng trăm tên địch, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn I ngụy.

Trong cơn nguy khốn, ngày 16/9, Tổng thống, Tổng Tư lệnh Quân đội Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu mạo hiểm đáp trực thăng xuống căn cứ Cốc Bai khích lệ tinh thần và kêu gọi binh sĩ “tử thủ”.

Những ngày tiếp theo, Quân đội Mỹ mở hàng chục trận oanh kích. Bom rải thảm của B.52, bom của máy bay F4 và pháo từ căn cứ Gladiator, Barbasa, Đồng Lâm, Phú Bài của Tiểu đoàn 2 Trung đoàn Kỵ binh 77 liên tục bắn xuống quanh khu vực Cốc Bai.

Lúc này Thừa Thiên Huế đang vào mùa mưa. Những cơn mưa tầm tã, kéo dài lê thê gây bất lợi cho cả hai phía.

Không quân Mỹ hoạt động không hiệu quả vì mây mù. Pháo binh bắn vu vơ vì không có máy bay trinh sát chỉ dẫn. Thực phẩm vơi dần vì không được máy bay tiếp tế đều đặn. Tử sĩ, thương binh không kịp chuyển đi đã biến những tiền đồn trở nên heo hút, não nùng.

Phía Quân giải phóng, do xác định chiến dịch kéo dài sang mùa mưa nên mỗi cán bộ, chiến sĩ đều được Chính trị viên quán triệt tinh thần vượt khó, dù phải dầm mình chịu rét và củng cố công sự, chiến hào sạt lở vì đạn bom.

Trung đoàn 3 xuất hiện nhiều “Chiến sĩ Thép” như: Dương Quang Bổ, Đặng Thành Hiếu, Trần Văn Hải, Nguyễn Văn Thêm… đã vượt qua gian khổ để bám trụ trận địa.

Mưa rét thường đi kèm với đói kém. Do lũ cắt đường và pháo bắn không ngớt nên việc tiếp tế lương thực cho mặt trận gặp trở ngại. Thiếu gạo, cán bộ cũng như chiến sĩ đành phải tìm các loại rau rừng, củ cây ăn được thay cơm.

Chứng kiến Trợ lý Pháo binh Nguyễn Đức Nghĩa hy sinh, Chủ nhiệm Công binh Trung đoàn 3 Hồ Hữu Lạn đến bây giờ vẫn còn ám ảnh, được ghi qua trang nhật ký của mình:

Tiếng nổ đoành, mảnh pháo cắt sườn anh

Dạ dày vỡ một màu xanh lai láng

Mắt nhìn anh - Tim tôi đau nhói

Ôi! Nắm rau rừng nuôi bạn, nuôi tôi!

Vượt qua hy sinh, gian khổ, Quân giải phóng xiết chặt vòng vây, khống chế bầu trời ngăn không cho đối phương chi viện. Ngày 2/10, Quân giải phóng tấn công làm 12 binh sĩ của Đại đội 3 Tiểu đoàn 4/54 Sư đoàn I Quân đội Sài Gòn thiệt mạng.

Sau 3 ngày Tổng thống chế độ Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đáp máy bay xuống kêu gọi binh sĩ “tử thủ” Cốc Bai, ngày 19/9, Chỉ huy Mặt trận lệnh cho các đơn vị tham chiến tập trung cối bắn vào căn cứ trọng yếu này. Kho hậu cần ở Cốc Bai cháy kéo dài trong 5 giờ làm cho binh sĩ đồn trú âu lo, hoảng loạn.

Trong lúc đối phương huy động lực lượng ứng cứu kho hàng, chớp thời cơ, từ các hướng bộ binh và đặc công của 3 Tiểu đoàn Quân giải phóng tấn công các chốt xung quanh.

Không thể chống trả, đối phương tháo chạy. Kể từ đây, Cốc Bai nằm trong gọng kìm của Quân giải phóng.

- Đến tháng 10/1970, ta tiếp tục tấn công uy hiếp căn cứ Cốc Bai, địch tháo chạy thoát thân, chúng không có ý định đóng chốt nơi đây nữa, khu vực tuyến giữa cũng không còn địch chiếm đóng.

Thắng  lợi đáng ghi nhớ này đã chứng tỏ quân chủ lực ở chiến trường Thừa Thiên Huế ngày càng lớn mạnh, đủ sức tìm các căn cứ Mỹ để vây đánh. Đó là sự cổ vũ lớn lao cho phong trào cách mạng khắp trong tỉnh tiếp tục đi lên giành thắng lợi. Miền núi Thừa Thiên Huế - căn cứ địa cách mạng được giữ vững”.

( Trích từ trang 182 Lịch sử đảng bộ Thừa Thiên Huế - Tập II)

Do bị bao vây nên sinh lực của Tiểu đoàn 2/I - đơn vị trấn giữ Cốc Bai ngày bị tiêu hao.

Hàng rào bảo vệ căn cứ Cốc Bai, bị chính đặc công “bẻ hướng”, mìn Claymo bị kích nổ phá tan từng mảng. Tháp canh, các ụ hỏa lực bị B40, 41 lần lượt bắn sụp. Binh sĩ trong căn cứ ẩn nấp không dám ra ngoài vì sợ bắn tỉa.

Vừa bị che khuất tầm nhìn vừa sợ đạn cao xạ 12,7 ly  bắn nên nhiều phi công không dám liều lĩnh đáp xuống. Cốc Bai nguy khốn.

Sau một tuần chui rúc thấy sức đã tàn, lực đã kiệt, Trung đoàn I cầu cứu và ngày 7/10/1970, Sư đoàn I Bộ binh Quân đội Sài Gòn đã cho máy bay đáp xuống cao điểm 665 và căn cứ Cốc Bai đón Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 2 về La Vang - Hải Lăng, Quảng Trị.

Sau 61 ngày đêm tấn công và bao vây ở khu vực Cốc Bai với 205 trận chiến đấu lớn nhỏ, Quân giải phóng đã bắn rơi 92 máy bay, phá 14 khẩu pháo, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn I và 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 54 thuộc Sư đoàn I BB của Quân đội Sài Gòn.

Chiến thắng Cốc Bai đã làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thực chất là “thay màu da trên xác chết” mà Mỹ tiến hành trên chiến trường Thừa Thiên Huế.

Với hai chiến thắng liên tiếp và đánh gục hai đơn vị thiện chiến nhất của Quân đội Mỹ (Sư đoàn 101 Dù Mỹ ở 935) và của Quân đội Sài Gòn (Sư đoàn I Bộ binh ở Cốc Bai) trên đất Thừa Thiên Huế cho thấy bản lĩnh, khí phách và tinh thần không ngại hy sinh gian khổ của Quân giải phóng vĩ đại như thế nào.

Trân trọng lịch sử hào hùng, phát huy giá trị của tinh thần “vì nước quên thân” là bài học luôn mới cho hôm nay và mai sau.

PHẠM HỮU THU
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bữa cơm trong căn nhà Hòa hợp - Bài 1: Đường đến hòa bình

Sau nhiều lần hò hẹn, cuối cùng những chiến binh năm xưa đã có dịp tề tựu về nhà ông Võ Nguyên Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong chiến tranh, ông Võ Nguyên Quảng là Chính trị viên kiêm Huyện đội trưởng Hương Thủy, thủ trưởng trực tiếp của họ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng mỗi khi nhắc nhớ lại bữa cơm trong ngôi nhà Hòa hợp năm ấy, lòng các cựu chiến binh luôn ngập tràn hạnh phúc vì sự kiện độc đáo diễn ra đúng vào ngày 19/5/1973 - sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trên chiến trường Thừa Thiên Huế!

Bữa cơm trong căn nhà Hòa hợp - Bài 1 Đường đến hòa bình
Cốc Bai: Trận vây ép dài nhất ở chiến trường Thừa Thiên Huế - kỳ 1: Đòn đánh bất ngờ

LTS: Trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đã ghi dấu nhiều trận đánh có tính quyết định diễn ra trên mảnh đất Thừa Thiên Huế, trong đó có trận Cốc Bai. Nhân dịp kỷ niệm 48 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2023), Báo Thừa Thiên Huế trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà báo Phạm Hữu Thu, nhằm ôn lại không khí hào hùng của một thời đạn lửa, để trân quý những giá trị hôm nay!

Cốc Bai Trận vây ép dài nhất ở chiến trường Thừa Thiên Huế - kỳ 1 Đòn đánh bất ngờ
Return to top