ClockThứ Ba, 11/07/2023 07:00

Bữa cơm trong căn nhà Hòa hợp - Bài 1: Đường đến hòa bình

TTH - Sau nhiều lần hò hẹn, cuối cùng những chiến binh năm xưa đã có dịp tề tựu về nhà ông Võ Nguyên Quảng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế.Trong chiến tranh, ông Võ Nguyên Quảng là Chính trị viên kiêm Huyện đội trưởng Hương Thủy, thủ trưởng trực tiếp của họ.Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng mỗi khi nhắc nhớ lại bữa cơm trong ngôi nhà Hòa hợp năm ấy, lòng các cựu chiến binh luôn ngập tràn hạnh phúc vì sự kiện độc đáo diễn ra đúng vào ngày 19/5/1973 - sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trên chiến trường Thừa Thiên Huế!

Cốc Bai: Trận vây ép dài nhất ở chiến trường Thừa Thiên Huế - kỳ 2: Quyết giữ vòng vâyCốc Bai: Trận vây ép dài nhất ở chiến trường Thừa Thiên Huế - kỳ 1: Đòn đánh bất ngờ

leftcenterrightdel
 Các cựu chiến binh: Nguyễn Thị Thủy, Lê Hữu Tòng, Võ Nguyên Quảng, Lê Bá Sơn và vợ ông Sơn (từ trái sang)

Như chúng ta đã biết, ngày 27/1/1973 tại Thủ đô Paris - Cộng hòa Pháp, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được 4 bên ký kết. Sau khi Mỹ và các nước tham chiến rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, trên chiến trường chỉ còn Quân giải phóng và Quân đội Sài Gòn.

Tại vùng giáp ranh, lúc này Huyện đội Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) rải quân trú đóng ở 3 nơi: Đại đội 1-C1 chốt ở cửa rừng vạc Xoài - Hưng Lộc. Đại đội 3-C3 chốt ở đồi Ba lô - đông nam khe Cát; còn Ban chỉ huy Huyện đội đóng ở đồi O Dễ (tên một nữ cán bộ cách mạng hy sinh), cách Mỏ Tàu chừng 2 cây số.

Đến đầu tháng 3/1973, Trợ lý Quân báo Huyện đội Lê Bá Sơn nhận điện của Trưởng ban 2 Tỉnh đội Thừa Thiên Huế Lê Giang: “Địch đang lấn chiếm” và báo cáo tình hình cho Huyện đội trưởng Võ Nguyên Quảng.

Với chiếc PRC 25 - máy truyền tin có tần số ngắn mà ta thu được của Mỹ, Lê Bá Sơn đã giải mã và được giao nhiệm vụ sử dụng nó nhằm theo dõi hoạt động của đối phương. Đến thời điểm này, Sư đoàn I Bộ binh Quân đội Sài Gòn đã lệnh cho Trung đoàn 54 rải quân chốt ở Mỏ Tàu và sân bay dã chiến “Cưa” - tên mà Quân giải phóng đặt vì đối phương dùng cưa để triệt hạ cây rừng làm bãi đáp cho trực thăng.

Để tránh bị động, bất ngờ, Ban chỉ huy Huyện đội Hương Thủy tái bố trí lực lượng.

Từ vùng giáp ranh Hưng Lộc lên đến Mỏ Tàu, các đại đội phân thành từng tổ lập chốt.

Tại đồi cây khô, gần sân bay dã chiến “Cưa”, Tiểu đội của ông Trần Mão (quê Hải Hậu, Nam Định) nghe có tiếng động lạ nên cử binh lính dò tìm. Họ phát hiện có chừng 1 trung đội lính Sài Gòn đang lặng lẽ bò lên điểm chốt mà đơn vị ông đang trấn giữ.

Tôn trọng Hiệp định Paris, Quân giải phóng không nổ súng mà chỉ can ngăn: “Đất của chúng tôi kiểm soát, yêu cầu các anh giữ nguyên vị trí”, nhưng binh sĩ Sài Gòn vẫn đốc nhau lấn tới.

Từ dưới đồi, họ ném ba lô lên trước rồi lũ lượt cằn bò. Tiểu đội trưởng Trần Mão lệnh cho chiến sĩ kiên quyết bảo vệ chốt bằng cách ném ba lô trở lại; đồng thời đuổi đẩy không cho binh lính Sài Gòn tràn lên lấn chiếm.

Trước thực tế của chiến trường, Bí thư Huyện ủy Lê Sáu đã cùng Huyện đội trưởng Võ Nguyên Quảng và Huyện đội phó Lê Hữu Tòng tiến hành khảo sát tình hình.

Trao đổi, bàn bạc, cuối cùng họ thống nhất phương châm hành động: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thắng lợi của Hiệp định Paris, xem đây là thắng lợi của cả hai miền; qua đó giải thích chính sách hòa bình, hòa hợp dân tộc, tranh thủ sự đồng tình của binh sĩ Sài Gòn.

Sau khi có chủ trương này, tại các chốt ở vùng giáp ranh Hương Thủy, Quân giải phóng chủ động dùng loa (pin) tuyên truyền.

Ông Võ Nguyên Quảng cho biết, ban đầu từ công sự sau dựng chòi cao tổ chức tuyên truyền. Xen kẽ là những câu hò Huế, các khúc dân ca quen thuộc… nhưng không ngờ, chính điều ấy đã làm lay động, thức tỉnh nhiều binh lính Sài Gòn.

Biết bên Thành đội Huế có cô Nguyễn Thị Thủy (quê Mỹ Thủy nay là xã Thủy Phương) ngâm thơ hay, ông Võ Nguyên Quảng đã viết thư xin Thành đội trưởng Huế Dương Quang Đấu tăng cường cho Hương Thủy.

Những bài thơ về quê hương, đất nước của Tố Hữu, Giang Nam, Vũ Ngàn Chi, Nguyễn Khoa Điềm…, những bài hát trữ tình của Trần Hoàn, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Vân… được các chị Nguyễn Thị Thủy, Ngô Thị Đặng (quê Hải Thủy), Nguyễn Thị Phụng… ngân lên làm phía bên kia chùng xuống...

Đến bây giờ, Nguyễn Thị Thủy vẫn nhớ câu nhắn nhủ của binh sĩ Sài Gòn: “Nhớ mai hát nữa nghe!”.

Đáp lại, phía binh lính Sài Gòn, nhất là số anh em ở Nam bộ cũng dùng loa đối đáp bằng các bài ca vọng cổ, trong đó có bài thịnh hành thời ấy như “Bạch Thu Hà” hay những ca khúc của Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ… và các “nhạc vàng” dành cho “lính trận miền xa”…

Dù chưa mặt đối mặt nhưng thông qua giao lưu văn nghệ, không khí hòa bình đã dần ló dạng trên tuyến giáp ranh mà trước khi có Hiệp định Paris luôn đầy ắp tiếng đạn bom.

(còn nữa)

Bài 2: Cuộc hội ngộ hy hữu

Phạm Hữu Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phú Lộc:
Ấm áp chương trình “Bữa cơm công đoàn”

Trưa 16/8, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) huyện Phú Lộc phối hợp với Công đoàn cơ sở và Ban Giám đốc Công ty cổ phần One One miền Trung tổ chức “Bữa cơm công đoàn” cho 150 đoàn viên công đoàn là lãnh đạo, nhân viên và công nhân của công ty.

Ấm áp chương trình “Bữa cơm công đoàn”
“Bữa cơm tri ân” trên biên giới

Ngày 20/7, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân phối hợp cùng chính quyền địa phương xã Hồng Thuỷ (A Lưới) tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023).

“Bữa cơm tri ân” trên biên giới
Bữa cơm trong căn nhà Hòa hợp - Bài 2: Cuộc hội ngộ hy hữu

Theo lời của Trung đội trưởng Nguyễn Đình Kiên, sáng đó ở chốt, anh em phát hiện từ đồi đối diện có hai binh lính Sài Gòn đang đi xuống suối lấy nước. Do họ xâm nhập khu vực kiểm soát của mình nên anh em hỏi tôi “có bắn không?”.

Bữa cơm trong căn nhà Hòa hợp - Bài 2 Cuộc hội ngộ hy hữu
Bữa cơm vượt bão

Vội tấp xe vào một góc vỉa hè có mái che tránh cơn mưa vần vũ do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới...

Bữa cơm vượt bão
Return to top