ClockThứ Bảy, 10/02/2024 10:59

Cuốn sách của Tổng Bí thư: 'Kim chỉ nam' cho công tác đối ngoại

Trong bối cảnh công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đạt những thành quả rất nổi bật của năm 2023, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay khi được phát hành đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của độc giả, nhất là cán bộ, đảng viên làm việc trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao.

Thừa Thiên Huế với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóaTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí MinhBài viết của Tổng Bí thư: Khơi dậy niềm tự hào, tin tưởng vào Đảng và dân tộcRa mắt cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác đối ngoạiSinh hoạt chính trị, tư tưởng nội dung tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”". Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN 

Chia sẻ những cảm nghĩ của mình về cuốn sách đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết về chủ đề đối ngoại, ông Trần Phước Anh, Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh cho rằng, tác phẩm rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, thực sự là “kim chỉ nam” cho hoạt động đối ngoại, ngoại giao của nền ngoại giao Việt Nam và là tài liệu quý cho những ai quan tâm đến đường lối đối ngoại của Việt Nam. 

Với hơn 800 trang, sách chia thành 3 chủ đề mang tính khoa học, chặt chẽ. Trong đó, tại chủ đề “Vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật bản sắc, giá trị cốt lõi của tư tưởng, quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng ta, những định hướng cho công tác đối ngoại trong những năm sắp tới và nhiều năm sau.

Ông Trần Phước Anh đặc biệt bày tỏ sự tâm đắc với nội dung bài viết “Kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết toàn diện, sâu sắc và khái quát hóa lý luận, thực tiễn đối ngoại của nước ta trong thời kỳ đổi mới; đồng thời khẳng định, làm rõ hơn nội hàm bản sắc “cây tre Việt Nam” trong đường lối đối ngoại của Đảng ta. 

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa, phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa tư tưởng của thời đại, chúng ta đã xây dựng nên một nền ngoại giao độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. 

Tổng Bí thư đã chỉ ra các thành tố nội hàm “vững ở gốc” là nguyên tắc vì lợi ích Quốc gia, dân tộc để phục vụ, độc lập, tự chủ trong đường lối đối ngoại, lấy thực lực làm gốc; “chắc ở thân” là những phương thức tạo nên sức mạnh, trong đó sức mạnh đoàn kết là nhân tố sống còn; “uyển chuyển ở cành” là phong cách, nghệ thuật ứng xử linh hoạt, nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đặc biệt trong các hoàn cảnh khó khăn, có sự phức tạp giữa những xu thế khác nhau, giữa đòi hỏi phải hài hòa cái chung và cái riêng.

Thực tiễn chứng minh đường lối đối ngoại, ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong quá khứ, đường lối đối ngoại, ngoại giao đặc sắc Việt Nam đã giúp tạo lối và mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận và mở ra cục diện mới thuận lợi cho đất nước và hiện nay, công tác đối ngoại, ngoại giao đã mở rộng, làm sâu sắc các mối quan hệ,  góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Ông Trần Phước Anh cho biết, những chỉ đạo sáng suốt của Tổng Bí thư trong công tác đối ngoại được triển khai trên thực tế tại TP Hồ Chí Minh đã mang lại những kết quả rất tích cực. Trong nhiều năm qua cũng như phương hướng trong năm 2024, công tác đối ngoại tại Thành phố luôn lấy “gốc” là “nguyên tắc vì lợi ích Quốc gia - dân tộc để phục vụ, giữ vững đường lối đối ngoại độc lập - tự chủ, lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế toàn diện, để tạo thế, lập thời”, để từ đó triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại của mình, đóng góp vào những thành tựu chung của Thành phố.

TP Hồ Chí Minh xác định rõ phát huy vai trò chủ động, tích cực đi đầu trong công tác đối ngoại, tập trung vào các hoạt động ngoại giao kinh tế, tranh thủ các nguồn lực tốt nhất cho phát triển, giúp Thành phố giữ vững vị trí “cực tăng trưởng” phía Nam và vai trò đầu tàu kinh tế, là trung tâm đối ngoại, hội nhập của cả nước. Thành phố đặt ra 3 nhiệm vụ chính của đối ngoại là thu hút ngoại lực phục vụ phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng tâm; quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế quốc tế của Thành phố và nâng cao hiệu quả hợp tác của Thành phố với các đối tác nước ngoài. 

“Tình hình thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp đặt ra những yêu cầu ngày càng cao cho công tác đối ngoại, cuốn sách của Tổng Bí thư thực sự là cẩm nang quý có giá trị thực tiễn giúp những cán bộ làm công tác đối ngoại tại Thành phố quán triệt sâu sắc hơn quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại; tiếp tục đoàn kết, đồng lòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của mình, góp phần cùng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân cả nước về thành phố mang tên Bác năng động và phát triển”- ông Trần Phước Anh khẳng định.


TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”

Khi đề cập đến những nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới, trong phần thứ ba của bài viết Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Ðảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”
Return to top