ClockThứ Ba, 31/10/2023 07:17
164 CÔNG DÂN LÀO ĐƯỢC NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM:

Đậm nghĩa tình gắn bó Việt Nam - Lào

TTH - Việc thực hiện Đề án “Thỏa thuận giải quyết vấn đề di cư tự do (DCTD) và kết hôn không giá thú (KHKGT) trong vùng biên giới” giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào, giúp người dân an cư lạc nghiệp, góp phần duy trì, bảo vệ an ninh trật tự trên tuyến biên giới, là dấu mốc quan trọng trong tình hữu nghị Việt Nam – Lào

Trao tặng 500 bộ sách giáo khoa và tập vở cho Trường Hữu Nghị Lào – ViệtCác thế hệ vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-LàoChặng đường đồng hành Việt-Lào in đậm dấu ấn của ĐCS Việt Nam

 Đại diện ngành tư pháp của Thừa Thiên Huế và các tỉnh Salavan, Sê Kông (Lào) ký kết biên bản ghi nhớ về giải quyết tình trạng di cư tự do 

“An cư, lạc nghiệp”

Với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, những công dân của nước bạn Lào được Chủ tịch nước cho phép nhập quốc tịch Việt Nam dần có đời sống ổn định, an tâm gắn bó với vùng đất mới. Chị A Viết Thị Nós (36 tuổi, trú xã Quảng Nhâm, A Lưới) là một ví dụ. Chị Nós là một trong 164 người được nhập quốc tịch Việt Nam theo Đề án Thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào về việc giải quyết vấn đề người DCTD và KHKGT trong vùng biên giới hai nước.

Trước đây, chị A Viết Thị Nós cùng chú ruột từ bản Ka Lô (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông) sang làm ăn tại xã Quảng Nhâm. Tại đây, A Viết Thị Nós gặp và nên duyên vợ chồng cùng anh Hồ Viết Anh vào năm 2009. Hơn 10 năm sống bên nhau, có với nhau hai người con chung, nhưng anh chị vẫn chưa đăng ký kết hôn. Chỉ đến khi A Viết Thị Nós được nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 2019, anh chị mới chính thức “thành vợ, thành chồng”.

Chị Nós chia sẻ, khi trở thành công dân Việt Nam gia đình tôi vui lắm, bởi đây là điều mà tôi đã chờ đợi từ rất lâu. Ở đây, chúng tôi được cán bộ chỉ cho cách làm ăn, cách trồng cây ăn quả, nuôi heo, dê và hỗ trợ vay vốn để làm ăn. Trước khi chưa nhập quốc tịch, làm giấy tờ cho các con khó lắm, còn bây giờ thì dễ rồi. Tôi cảm ơn Nhà nước Việt Nam, cảm ơn chính quyền huyện A Lưới đã luôn tạo điều kiện để tôi có được cuộc sống hạnh phúc ở đây.

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Âr Kêu Nhâm, xã Quảng Nhâm, hằng ngày, chị A Viết Thị Nós dệt zèng để khi có phiên chợ lại mang ra bán, còn chồng đi làm nương rẫy. Dẫu còn vất vả, nhưng gia đình 4 người cảm thấy hạnh phúc và từng ngày cố gắng để có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Cách không xa nhà chị Nós là nhà chị Hồ Thị Hương (38 tuổi) - một người từ năm 2010 đã DCTD từ Lào qua Việt Nam theo đường biên giới. Khi sang xã Quảng Nhâm, chị đã ở lại đây buôn bán làm ăn rồi nên duyên vợ chồng với anh Lê Văn Tới ở cùng xã.

“Năm 2019, tôi được nhập quốc tịch Việt Nam theo đề án của Chính phủ 2 nước. Chúng tôi được cấp giống bò để nuôi, vay vốn sản xuất và hỗ trợ thêm chi phí để xây dựng nhà ở. Việc được nhập quốc tịch Việt Nam đã mở ra cho gia đình tôi cơ hội để “an cư, lạc nghiệp”, tiến tới thoát nghèo bền vững” - chị Hương chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, người Lào DCTD và KHNGT qua A Lưới sống rải rác ở các xã biên giới, nhiều nhất là Quảng Nhâm, Hồng Vân, A Roàng… Trước đây, khi chưa được nhập quốc tịch, người Lào ở huyện A Lưới nói riêng và những người Lào DCTD sinh sống dọc biên giới Việt Nam khá thiệt thòi, không làm được các giấy tờ pháp lý của bản thân và cho con cái học hành. Sau khi được nhập quốc tịch, họ được hưởng các quyền và nghĩa vụ như công dân Việt Nam, được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, được cấp cây và con giống và được vay vốn; cấp bảo hiểm y tế; giấy khai sinh, đăng ký kết hôn. Đồng thời, được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, biên giới.

Cần hỗ trợ thêm nguồn lực

Thực tế, người DCTD, KHKGT là vấn đề có tính lịch sử, tồn tại nhiều năm qua. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, một bộ phận dân cư của tỉnh này cư trú, sinh sống trên lãnh thổ của tỉnh kia, nhưng lại không có giấy tờ chứng minh quốc tịch và bị rơi vào tình trạng không quốc tịch. Ngày 8/7/2013, Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào đã ký Đề án Thỏa thuận giải quyết vấn đề DCTD và KHKGT trong vùng biên giới hai nước.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Sở Tư pháp, việc thực hiện Đề án này đã kiểm soát được cơ bản tình trạng DCTD và KHKGT trong vùng biên giới hai nước tại huyện A Lưới, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội tại vùng biên giới giữa Thừa Thiên Huế với hai tỉnh Salavan và Sê Kông. Chính sách Nhà nước cho nhập Quốc tịch Việt Nam đối với người DCTD và KHKGT thể hiện bản chất nhân đạo và nhân văn cao đẹp của Đảng và Nhà nước ta, là mốc son đậm nghĩa tình gắn bó trong tình hữu nghị Việt Nam - Lào.

Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ thêm về nơi định cư, nhà ở, đất canh tác, vay vốn, học nghề… đối với người được nhập quốc tịch Việt Nam để họ có cuộc sống ổn định, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, sớm hòa nhập với cộng đồng nơi cư trú. Đồng thời, có phương án ngăn chặn việc tái DCTD và KHKGT trong vùng biên giới Việt Nam - Lào.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị:
Khai thác các nguồn lực phục vụ mục tiêu an sinh xã hội

Chiều 1/2, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ V, nhiệm kì 2021 - 2026 nhằm tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Khai thác các nguồn lực phục vụ mục tiêu an sinh xã hội
Thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào

Sáng 11/11, tại TP. Huế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khai mạc Chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023”, nhân kỷ niệm 61 năm Ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Lào (1962 - 2023) và 46 năm Ngày hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (1977 - 2023).

Thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào

TIN MỚI

Return to top