Thứ Tư, 14/10/2015 07:02
(GMT+7)
Đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao Nhân dân
TTH - Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khoá XI, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đã thể hiện khái quát, toàn diện cả tình hình và những thành quả to lớn của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời gian qua, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng của Đảng. Nổi bật nhất là mở rộng quan hệ quốc tế cả chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt là xây dựng đối tác chiến lược với cả 5 nước thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ, tham gia có trách nhiệm vào công việc lớn của cộng đồng quốc tế, xử lý một cách chính xác và phù hợp tình hình trên Biển Đông, giữ vững môi trường hòa bình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần quan trọng đưa đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng. Về phương thức hoạt động đối ngoại đã kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn cả ba kênh của hệ thống đối ngoại đó là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Nhân dân.
|
Ông Lê Văn Anh, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh
|
Qua thực tiễn tình hình đất nước, chúng tôi có một số suy nghĩ về những khía cạnh sau đây khi nghiên cứu Dự thảo mục XI về “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”:
Đối với quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, Đảng ta luôn đưa ra đường lối nhất quán là đặc biệt coi trọng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với các nước láng giềng, nhất là đối với nước bạn Lào và Campuchia. Thật sự, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong mục tiêu này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các kết quả đạt được vẫn chưa thỏa đáng. Thời gian qua đã xảy ra một số tình huống gây tổn thương tình đoàn kết và gắn bó giữa ta với Campuchia. Với các nước trong khối ASEAN, chúng ta cũng đã gặp phải những vấn đề đáng quan ngại như cách hành xử gay gắt của Thái Lan và Indonesia với ngư dân Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, nếu ưu tiên xây dựng quan hệ láng giềng và quan hệ nội khối tốt hơn, chủ động hơn thì đã không để xảy ra những tình huống không đáng có như vừa qua (ví dụ như việc nhiều thuyền của ngư dân Việt Nam bị Indonesia đánh đắm, hay ngư dân Việt Nam bị bắn chết trên vùng biển Thái Lan…).
Khối ASEAN đã sắp trở thành một cộng đồng, nhưng sự chuẩn bị về mọi mặt cho nhân dân ta để gia nhập cộng đồng ASEAN vẫn chưa được chu đáo, đồng bộ và kịp thời kể cả nếu sắp tới Việt Nam gia nhập vào TPP nữa thì ắt hẳn sẽ có những hụt hẫng và thách thức không nhỏ. Ngoại giao văn hóa là một lĩnh vực khá nổi trội trong thành tựu ngoại giao. Tuy nhiên, ngoài sự giao lưu diễn ra ngày càng sôi động, quảng bá đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, liệu ngành ngoại giao có góp phần ngăn chặn các tác động tiêu cực của “những luồng gió độc” làm thay đổi tính cách của thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt về văn hóa và lối sống. Giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, nhân cách người Việt Nam theo chúng tôi không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa mà cũng là một phần trách nhiệm của hệ thống quản lý công tác đối ngoại trong quá trình “lựa chọn, dẫn dắt”, du nhập tinh hoa văn hóa vào Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Sau hơn 20 năm ra đời, đồng hành và hỗ trợ tích cực cho các kênh đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhà nước, ngoại giao Nhân dân là một phương thức luôn được đề cập tương xứng và được khẳng định vai trò ngày càng cao trong các văn kiện Đại hội Đảng. Tuy vậy, đến nay kênh ngoại giao Nhân dân vẫn chưa được nhận thức nhất quán trong các cấp, các ngành; hệ thống tổ chức chưa hoàn chỉnh (nhất là ở cấp địa phương), cơ chế hoạt động vẫn còn nhiều tồn tại. Đảng cần quan tâm chỉ đạo, xây dựng hoàn thiện về tổ chức, thể chế để phát huy mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa kênh ngoại giao nhân dân.
Minh Văn (ghi)