ClockChủ Nhật, 14/04/2019 07:00

Đền Hùng hai lần đón Bác

TTH - Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) vinh dự hai lần được đón Bác Hồ về thăm. Trong những lần ấy, Người đã để lại những lời căn dặn quý báu.

Phú Thọ - miền đất 2 di sản văn hóa thế giớiVề đất TổBắt đầu các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2018Đền Hùng - biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết dân tộcTìm về cội nguồn của ngày giỗ Tổ Hùng Vương

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trồng cây tại Khu Di tích Đền Hùng trong dịp Giỗ tổ năm 2016. Ảnh: VIỆT HÀ  

Mệnh lệnh thiêng liêng

Thiếu tướng Nguyễn Hiền, Phó Chính ủy Đại đoàn 308 luôn tự hào bởi ông là nhân chứng sống trong buổi Bác gặp mặt cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) ở Đền Hùng vào ngày 19/9/1954 lịch sử.

Trong suốt quãng đời gần 50 năm trong quân ngũ, từ người chiến sĩ trưởng thành đến cán bộ đại đội rồi lên cấp tướng, đã qua nhiều chiến trường, nhiều đơn vị nhưng với ông, Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 vẫn là nơi gắn bó nhất trong cuộc đời binh nghiệp, vì ở đó ông đã có những giờ phút thiêng liêng của cuộc đời với những lần được gặp Bác. Ông chia sẻ: Tôi được gặp Bác Hồ 6 lần, song lần thứ 4 được gặp Bác tại Đền Hùng là lần tôi được ở gần Bác lâu nhất.

Lúc đó khoảng 10 giờ sáng, Bác cùng với chỉ huy Đại đoàn đi từ hướng Đền Thượng xuống Đền Giếng. Tại sân Đền Giếng, cán bộ từ cấp đại đội thuộc Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong) được gặp Bác, nghe Bác huấn thị. Khi thấy Bác, chúng tôi đồng thanh hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác hiền từ ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống, sau đó Người chủ động đến ngồi ở bậu cửa ngách của Đền Giếng. Đồng chí Song Hào - Chính ủy Đại đoàn đến ngồi bên phải Bác, ngồi bên trái Bác là đồng chí Thanh Quảng - Phó Văn phòng Quân ủy Trung ương.

Dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng tại Phú Thọ (năm 2017). Ảnh: sggp.org.vn

Bác nói chuyện hết sức thân mật như cha nói với con. Chúng tôi chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời. Bác đề cập đến nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn. Bác nói: Phải cảnh giác với “viên đạn bọc đường” bởi đó là kẻ thù chính trị trong hòa bình. Cần chống mọi hành động phá hoại vì kẻ địch còn lén lút, dân ta còn có những việc làm vô ý, cán bộ, chiến sĩ ta còn có những nhận thức và việc làm sơ hở, thiếu sót; phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều.

Muốn tránh khuyết điểm phải có dân chủ, phải thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau phê bình và tự phê bình, phải giữ tác phong giản dị, chất phác của người cách mạng. Rồi Người nói với cán bộ đại đoàn chúng tôi từng câu chữ như muốn chúng tôi khắc cốt ghi tâm: Vua Hùng là người có công dựng nước. Như vậy, Vua Hùng chính là ông Tổ của nước Việt Nam. Uống nước phải nhớ nguồn. Con cháu thì phải nhớ đến tổ tiên. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Đó mới chính là uống nước nhớ nguồn, mới là nhớ tổ tiên vậy.

Đã 65 năm trôi qua, câu nói của Bác trở thành mệnh lệnh thiêng liêng nhắc nhở toàn quân, toàn dân Việt Nam giữ gìn vững chắc non sông gấm vóc, bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc. Các sự kiện nối tiếp nhau trôi theo dòng chảy của lịch sử, song những hình ảnh và lời dạy của Người: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” tại Đền Hùng mùa thu năm ấy còn vọng vang núi sông.

“Để Đền Hùng ngày càng

trang nghiêm đẹp đẽ”

Lần thứ hai Bác về thăm Đền Hùng vào đúng ngày Cách mạng tháng Tám năm 1962. Tại đây, ngoài việc căn dặn ý thức chính trị, phẩm chất cách mạng với lực lượng vũ trang, Người còn nhắc nhở: “Chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan”.

Tại hội thảo khoa học Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng, PGS.TS Phạm Mai Hùng cho rằng: “Chú ý bảo vệ”, hẳn Người muốn nhấn mạnh nội dung bảo tồn di tích; “trồng thêm hoa, cây cối” hẳn Người muốn nhấn mạnh nội dung tôn tạo di tích, làm cho di tích ngày một trang nghiêm đẹp đẽ “để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan”. Suy nghĩ này của PGS.TS Phạm Mai Hùng được nhiều người đồng tình bởi những chữ “bảo vệ”, “trồng thêm hoa, cây cối”, “trang nghiêm”, “đẹp đẽ”, “tham quan” đều có ý nghĩa sâu sắc về giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, đó là những chữ “chìa khóa” để khẳng định việc quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy di tích Đền Hùng trong những năm qua của tỉnh Phú Thọ là đúng với mong muốn của Bác.

Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng khẳng định: Các công trình tu bổ, tôn tạo tại Khu di tích đã từng bước góp phần “để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ, để Đền Hùng thành công viên cho con cháu sau này tham quan” như lời Bác căn dặn.

Nhìn lại mốc thời gian từ khi có Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Đền Hùng của Thủ tướng Chính phủ (tháng 4/2004) đến nay đã 15 năm, Phú Thọ đã xây dựng Đền Hùng xứng tầm với vị thế là Di tích Quốc gia đặc biệt - là trung tâm văn hóa tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của dân tộc, thực sự trở thành điểm đến của du lịch Việt Nam, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ.

Sau 57 năm ngày Bác về thăm lần thứ 2, Đền Hùng đã trở thành Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Về thăm Đền Hùng, đến Bảo tàng Hùng Vương, dừng chân nơi bậc thềm Đền Giếng hay ngồi dưới bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với bộ đội, mỗi người Việt Nam như còn nghe thấy lời Người ấm áp những mùa thu năm trước.

Việt Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn đoàn kết dân tộc
Chủ tịch nước dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng 10/4 (tức mùng 10 tháng 3 âm lịch), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Chủ tịch nước dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương
Giỗ Tổ Hùng Vương, gắn kết trái tim người Việt

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mãi mãi là biểu tượng của tinh thần dân tộc, cội nguồn sức mạnh, là cầu nối hữu hình cho niềm tin, niềm tự hào của người Việt về quá khứ hào hùng và hướng đến tương lai.

Giỗ Tổ Hùng Vương, gắn kết trái tim người Việt

TIN MỚI

Return to top