Trong di sản văn hóa dân tộc, Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta. Dù làm gì, ở đâu, mỗi người con đất Việt đều hướng về cội nguồn, hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, tri ân.
Rước kiệu tại xã Hùng Lô, TP. Việt Trì (Phú Thọ) trong lễ hội văn hóa dân gian
Từ ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra, còn có rất nhiều đình, đền, miếu… thờ cúng Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ và nhiều tỉnh trong cả nước. Trong tiến trình lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, Đền Hùng luôn được các triều đại và Nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ Quốc Tổ. Từ khi nước nhà được độc lập, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng, đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự tổ tiên chung của dân tộc.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành biểu tượng tôn kính, thiêng liêng, quy tụ và gắn bó người dân đất Việt. Niềm tự hào, tôn kính ấy càng được nhân lên khi UNESCO chính thức thông qua quyết định công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 6/12/2012), trở thành di sản đầu tiên ở loại hình tín ngưỡng của Việt Nam được UNESCO vinh danh.
Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh, thành là Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Nam, Kiên Giang. Lễ hội diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 21 đến 25/4/2018 (tức mồng 6 đến 10/3 năm Mậu Tuất). Đại diện lãnh đạo 4 tỉnh tham gia góp giỗ năm nay đã thống nhất cao kế hoạch tổ chức, đồng thời chuẩn bị chu đáo các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch phục vụ tốt nhất cho lễ hội.
Với mục tiêu xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong các lễ hội mẫu của cả nước, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực tập trung chỉ đạo để đảm bảo lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần Lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần Hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; kết hợp hài hoà giữa các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về viếng thăm Mộ Tổ. Phần Lễ bao gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng do thành phố Việt Trì tổ chức, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu Di tích và Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch. Bên cạnh phần Lễ, các hoạt động phần Hội được tổ chức phong phú, đa dạng…Năm nay, Lễ hội văn hóa dân gian đường phố Việt Trì tiếp tục được tổ chức nhằm giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của vùng Đất Tổ, từng bước thực hiện chủ trương của Chính phủ đưa thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Cuối năm 2017, việc UNESCO chính thức đưa Hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp để trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn khẳng định thành quả nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa. Hát Xoan Phú Thọ đã góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi vậy, trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm nay, Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá Hát Xoan, tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài nước có dịp được thưởng thức di sản qua các cuộc liên hoan Hát Xoan tại Đền Hùng và tại các làng Xoan cổ, phường Xoan gốc nhằm gắn với điểm du lịch di sản văn hóa tại thành phố Việt Trì như Miếu Lãi Lèn- xã Kim Đức; đình Hùng Lô- xã Hùng Lô, đình An Thái- xã Phượng Lâu đồng thời trưng bày tư liệu về Di sản hát Xoan tại miếu Lãi Lèn… Hát Xoan xưa vốn chỉ vang vọng nơi những sân đình cổ kính, ngày nay, Hát Xoan đã và đang vang vọng khắp nơi trên vùng Đất Tổ. Không gian vùng Xoan được đầu tư mở rộng, ý thức về bảo tồn và phát huy giá trị Hát Xoan trong cộng đồng được nâng cao.
Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 được tỉnh Phú Thọ tổ chức chu đáo, thành kính, trang nghiêm, an toàn nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Ban Tổ chức quyết tâm phấn đấu cao nhất để tiếp tục giữ mục tiêu “5 không” tại lễ hội, đó là: Không có người ăn xin, ăn mày; không ùn tắc giao thông; không chèo kéo khách và xảy ra tình trạng giá cả, dịch vụ mang tính “chặt chém”; không có những hành vi phản cảm trong lễ hội và không để mất vệ sinh môi trường ở khu vực lễ hội và các khu vực công cộng khác tại Đền Hùng.
Hà Kế San
UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Trưởng BTC Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018