ClockThứ Bảy, 10/07/2021 13:45

Di sản của di sản

TTH - Mở rộng đô thị Huế là tất yếu, đó là nhu cầu tự thân của phát triển. Trên thực tế, sự mở rộng và phát triển ấy đã diễn ra từ lâu. Vì vậy, đây không phải là thay cái áo mới cho Huế, mà là một cơ thể mới của Huế đã lớn lên, với hình hài, dáng vóc lớn hơn. Và dĩ nhiên, cơ thể mới thì phải có chiếc áo mới.

Xây dựng Huế xứng tầm là đô thị động lực trung tâmTái thiết đô thị Huế sau mở rộngMở rộng và kết nối những không gian xanh

Đô thị Huế mở rộng có đồi núi, đồng bằng, sông và đầm phá. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Mở rộng đô thị Huế là xây dựng một Huế mới hiện đại, năng động, để bảo tồn Huế cũ, Huế xưa, Huế cổ kính. Là để thỏa mãn nhu cầu phát triển của đời sống, mà không phải bằng cách thay thế hay xóa bỏ cái cũ. Đó là nguyên lý tồn tại của những đô thị di sản như Huế. Có nhiều mục đích, nhưng mục đích chính của việc mở rộng đô thị Huế vẫn là để bảo tồn di sản, để Huế thật sự là Đô thị di sản cấp quốc gia, để Huế phát triển bằng chính nội lực, một cách bền vững. Đề án mở rộng đô thị Huế cũng đã nhấn mạnh điều đó.

Bao năm qua, cuộc tranh chấp giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề nóng bỏng và nan giải nhất của Huế. Điều đó cho thấy, cả bảo tồn lẫn phát triển đều là nhu cầu bức thiết của Huế, và tất nhiên, bảo tồn vẫn là đòi hỏi trước tiên. Bởi vì, di sản vừa là hồn vừa là cốt, vừa là quá khứ vừa là tương lai, của Huế. Cũng vì vậy, nếu không phát triển thì không bảo tồn được Huế, không xây dựng Huế mới thì thật khó mà bảo toàn được Huế cũ.

Đô thị Huế mở rộng từ đồi núi xuống đồng bằng

Gần 30 năm trước, khi UNESCO công nhận quần thể di sản Cố đô Huế là Di sản văn hóa của nhân loại (1993), các chuyên gia đã đề nghị để bảo tồn đô thị cổ thì Huế cần phải xây dựng một đô thị mới. Bởi vì di sản Cố đô Huế không phải là những di tích đơn lẻ, mà là một quần thể liên kết nhau trong một không gian cổ kính, thơ mộng, tạo thành một “kiệt tác thơ kiến trúc đô thị”. Kiệt tác đó không chỉ có lăng tẩm đền đài và kinh thành Huế ở bờ Bắc sông Hương, mà phải có khu phố cũ ở bờ Nam sông Hương, nơi người Huế quen gọi là “phố Tây”, và đường Lê Lợi là một mẫu mực của đô thị sang trọng, quý phái theo kiểu Tây phương đó. Chứng kiến cuộc tranh chấp gay gắt triền miên với không ít tổn thương, mất mát trong những năm tháng qua, nhiều người đã thốt lên: giá như Huế mở rộng sớm hơn!

Từ diện tích cũ với chỉ 70,6km2, đô thị Huế mới đã mở rộng ra 265,99km2, rộng hơn gấp 3,76 lần. Không gian Huế rộng mở, kéo dài từ đồi núi xuống đồng bằng, đầm phá và mở ra biển cả. Nhiều người mừng vì quỹ đất tăng lên, giá đất cũng tăng lên, tức là kiếm được nhiều tiền một cách nhanh hơn. Có phải vì vậy mà giá đất Huế tăng nhanh chóng mặt chỉ vì một quyết định mở rộng đô thị được công bố?

Tất nhiên, quỹ đất tăng thì thị trường bất động sản tăng trưởng, cũng là một nguồn lực cho xã hội phát triển. Nhưng mở rộng đô thị là tăng lên dư địa cho cuộc phát triển kinh tế, chứ không chỉ đơn giản là đất đai nhiều hơn. Đất đai là giá trị căn bản để tạo ra giá trị mới, chứ không phải chỉ là vật mua qua bán lại, thổi phồng giá để kiếm nhiều tiền một cách dễ dàng. Nếu không có di sản thì đất đai của Huế cũng chẳng có giá trị gì đặc sắc so với các đô thị khác. Mở rộng đô thị Huế là để bảo tồn di sản ở đô thị di sản cấp quốc gia, chứ không phải chỉ là cơ hội để thu hồi ruộng đồng, san lấp và phân lô bán nền.

Nơi mà đô thị Huế vừa mở rộng là nơi đang lưu giữ một thứ di sản quý giá: di sản làng quê Việt Nam vùng Trung bộ. Nếu mở rộng đô thị mà xóa bỏ đi những làng quê này, thì thật là mâu thuẫn với mục tiêu “mở rộng Huế để bảo tồn di sản”. Tất nhiên, làng quê xứ Huế thời hiện đại phải khác với làng quê xưa cũ, nhưng “phố ở làng” phải khác “làng ở phố”. Phố thị ở làng Bằng Lãng, Hải Cát thượng nguồn sông Hương, hay phố xá mới ở làng Lại Ân, Mậu Tài ở hạ nguồn sông Hương, của làng Vân Quật Đông bên phá Tam Giang phải khác với phố thị Đông Ba, Gia Hội. Nó phải mang hồn cốt của làng quê vùng đồi núi, vùng đồng bằng, cửa sông và đầm phá Tam Giang. Là những phố phường có cả lũy tre, bến nước, mái đình và ngôi chùa làng. Có những khu vườn xanh mướt hàng rào chè tàu, có vườn cây thanh trà, dâu, mít và ngôi nhà rường đặc sắc của kiến trúc Huế...

Đất đai là di sản. Với Huế, đất đai là “di sản của di sản”.  Vì vậy, xin đừng nhìn đất đai chỉ là bất động sản, chỉ thấy tiền mà không nhìn thấy những thứ quý giá hơn cả tiền.

Bài: MINH TỰ - Ảnh: TUẤN KIỆT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diện mạo mới đô thị Huế

Đô thị Huế đang đổi thay trên một diện mạo mới - diện mạo của đô thị trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương.

Diện mạo mới đô thị Huế
Kết nối di sản

Sự kiện đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” được vận hành vừa qua hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội lớn. Song, để duy trì và khẳng định được tính “kết nối di sản” thì cần nhiều yếu tố, bởi đây không phải là lần đầu tiên mô hình này được áp dụng.

Kết nối di sản
Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Return to top