ClockThứ Năm, 29/08/2024 06:41

Di tích và mối nguy đối mặt với mùa mưa bão

TTH - Sở hữu rất nhiều di tích như Huế được xem lợi thế phát huy giá trị văn hóa lịch sử. Thế nhưng, để bảo vệ những di tích này là chuyện không hề đơn giản, trong đó có việc đối mặt với thách thức do thời tiết khắt nghiệt, thiên tai bất thường vào cuối năm.

Mưa bão, lũ lụt đe dọa di tíchChống xuống cấp cho di tích sau mùa mưa bão

 Một góc không gian Di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu với mái tranh nên gặp nguy cơ hư hỏng cao khi mùa mưa bão đến

Ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế, hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp các địa phương trông coi và quản lý. Những tháng cuối năm, đơn vị này khá tất bật với việc chằng chống cho di tích, chuẩn bị chống chọi với mưa bão. Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đến thời điểm này được giao trực tiếp quản lý 14 di tích; trong đó, phải kể đến các di tích nổi tiếng, như Tháp Chăm Phú Diên, Khu chứng tích Lao Thừa Phủ, Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế, di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu, di tích Chín Hầm, Nhà lưu niệm Phan Bội Châu…

Ngoài việc khai thác giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, việc bảo vệ di tích, trong đó có công tác phòng, chống thiên tai tránh gây ảnh hưởng đến di tích được đặt ra. Ngoài cắt tỉa cây xanh trong vùng di tích được tổ chức thường xuyên, thời điểm những tháng cuối năm nguy cơ thiên tai bất thường nên việc chằng chống di tích luôn được bảo tàng ưu tiên hàng đầu. Theo lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, hầu hết di tích thuộc sự quản lý của đơn vị là những công trình có giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, với niên đại hàng trăm năm, nên thường xuyên đối diện với nguy cơ bị ngập lụt và hư hại mỗi khi đến mùa mưa bão như tình trạng thấm, dột, rêu mốc, trôi truột mái ngói lợp…

Thường sau mỗi mùa mưa bão, các di tích bị hứng chịu những đợt lũ nặng nề. Khi lũ rút, các công trình kiến trúc gỗ, gạch… đối mặt với nguy cơ bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là ẩm thấp, mối mọt, hư hỏng các bờ mái, kết cấu gỗ, vách, tường chịu lực, hệ thống hạ tầng, hư hỏng nguồn điện, hệ thống cây xanh. “Mưa bão đã gây hư hỏng hệ thống mái tranh tại Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, sạt lở đất tại di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế. Hay như tình trạng cát bay, xâm thực nước biển, gây hư hỏng kết cấu gạch, han rỉ nhà bao che tại di tích Tháp Chăm Phú Diên. Ngoài ra, nhiều di tích khác cũng bị ngập úng cục bộ…”, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế dẫn chứng về những nỗi lo mà các di tích phải đối mặt.

Các di tích thuộc sự quản lý của đơn vị nhưng lại nằm ở nhiều địa bàn khác nhau, từ TP. Huế cho đến các huyện, thị. Dù được đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp nhưng vẫn còn di tích thiếu sự quan tâm nên đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại. “Trải qua các biến cố lịch sử, xã hội, sự bào mòn, hủy hoại của thiên nhiên nên phần lớn các di tích do đơn vị trực tiếp quản lý đã bị xuống cấp, chưa được tu bổ, tôn tạo kịp thời. Địa bàn phân bổ các di tích trải rộng, trong khi lực lượng, nguồn kinh phí có hạn nên công tác bảo vệ các di tích còn nhiều khó khăn”, ông Lộc nói. Cũng theo ông Lộc, khó khăn nữa đó là thủ tục trùng tu di tích, nguồn kinh phí để tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích cũng là bài toán đòi hỏi có giải pháp khắc phục hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giá trị di sản.

Người đứng đầu Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết thêm, trong giai đoạn 2021 -  2023 đã có Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng (nằm ngoài Quần thể di tích Cố đô Huế) và Quyết định của UBND tỉnh về điều chỉnh phân cấp quản lý di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Ngoài các di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp đã phát huy được hiệu quả, vẫn còn một số di tích nằm trong danh mục đầu tư chưa được quan tâm bố trí vốn. Vì thế mong muốn trong thời gian sớm nhất sẽ được đầu tư tu bổ, tôn tạo.

Có những tổn hại diễn ra âm thầm do thiên tai

Báo cáo biến đổi khí hậu của UBND tỉnh những năm qua nhận định, bão, áp thấp thiệt đới, hạn hán, nắng nóng, mưa lớn, lũ, lụt là các loại hình thiên tai tác động nghiêm trọng đối với tỉnh. Trong đó, cường độ và tần suất thiên tai tăng giảm thất thường.

Theo TS. Huỳnh Thị Anh Vân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trong bối cảnh ấy các công trình kiến trúc lịch sử ở Huế vốn được làm bằng các loại vật liệu truyền thống như gỗ, vôi vữa, là những đối tượng dễ bị hủy hoại ở nhiều mức độ khác nhau, do tác động trực tiếp hay gián tiếp từ các hình thái khác nhau của thời tiết, hoặc từ những yếu tố khác nảy sinh trong quá trình thiên tai diễn ra như nấm mốc, côn trùng…

Sự tổn hại có thể nhận biết ngay bằng mắt thường do công trình bị gãy đổ, sạt lở, lún sụt, nhưng cũng có những tổn hại diễn ra âm thầm trong kết cấu của công trình.

 

Bài, ảnh: NHẬT MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những “người hùng thầm lặng”

Lần đầu tiên, những nghệ nhân, thợ lành nghề được tôn vinh vì những đóng góp đầy ý nghĩa trong công cuộc bảo tồn, tu bổ công trình di tích.

Những “người hùng thầm lặng”
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão

TIN MỚI

Return to top