|
Bìa sách “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Thừa Thiên Huế (1937-1949)”. Ảnh: Bảo Phước |
Cuốn sách tập hợp 23 bài viết của nhiều nhà sử học, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng những nhà nghiên cứu. Những bài viết này đã phân tích, làm rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong những bước ngoặt lịch sử, thúc đẩy phong trào cách mạng của tỉnh Thừa Thiên Huế giành nhiều thắng lợi quan trọng.
Theo tài liệu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) có tên khai sinh là Nguyễn Vịnh. Đồng chí được sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Năm 20 tuổi, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 7/1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó, Xứ ủy giới thiệu đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia Tỉnh ủy Thừa Thiên, đến tháng 3 năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Cuối năm 1938, đồng chí Nguyễn Vịnh bị địch lùng bắt với tội phá rối trật tự trị an, tàng trữ sách báo cộng sản, tham gia biểu tình chống Pháp và Nam triều. Tuy nhiên, ngày 16/12/1938 sau khi xét xử không có bằng chứng và không khai thác được gì nên địch buộc phải thả đồng chí ra. Sau khi ra tù đầu năm 1939, đồng chí tiếp tục được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Với vai trò là Bí thư Xứ ủy Trung kỳ kiêm phụ trách Lào (1945-1946), Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên và Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên (1947-1948), Bí thư Liên khu ủy khu 4 (1948-1950), đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã luôn có mặt ở những thời điểm cách mạng khó khăn, gian khổ nhất và những nơi xung yếu nhất để chỉ đạo phong trào.
Trước những mất mát, khó khăn chồng chất đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh thể hiện tinh thần tiến công, ý chí sắt son, bám đất, bám dân, dựa vào dân để tổ chức chiến tranh du kích, liên tiếp giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần cùng Nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, với 3 lần làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn có mặt ở những thời điểm cách mạng khó khăn, gian khổ nhất, những nơi xung yếu nhất để chỉ đạo. Có thể nói, đây là thời kỳ địch đàn áp tàn khốc, dã man, cơ sở bị vỡ liên tục, Tỉnh ủy mất liên lạc với Trung ương (những năm 1942-1943), lúc mặt trận Huế bị vỡ (đầu năm 1947) là giai đoạn thử thách của phong trào cách mạng Thừa Thiên.
“Trước những mất mát, khó khăn chất chồng tưởng khó vượt qua đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã bình tĩnh, mưu lược cùng Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh thể hiện tinh thần tiến công, ý chí sắt son, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Bác Hồ” - TS. Phan Tiến Dũng nhận định.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự nhận xét, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính vào thực tiễn tỉnh Thừa Thiên. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên quán triệt, kiên trì bám đất, bám dân, dựa vào dân tổ chức chiến tranh du kích, liên tiếp giành chiến thắng, góp phần cùng Nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên giành thắng lợi.
Trong cuốn sách “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Thừa Thiên Huế (1937-1949)”, các tác giả có chung nhận định rằng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, một vị tướng tài ba thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí còn là một cán bộ lãnh đạo cấp cao tài năng, gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao dù ở bất cứ cương vị nào.
Thông qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ được cung cấp nguồn tư liệu quan trọng, góp phần làm rõ thêm về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng Thừa Thiên Huế nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung.