Vì được đưa vào hoạt động trong khoảng thời gian nguy cơ COVID-19 lần thứ hai quay trở lại Việt Nam, nên tỷ lệ đặt phòng ở cơ sở lưu trú nhỏ của tôi giãn hẳn so với những ngày đầu. Không có nhiều áp lực, nên cũng không quá lo lắng trước tình hình chung, chúng tôi đã tận dụng cơ hội này để học hỏi, lắng nghe, hoàn thiện thêm sản phẩm của mình.
Xanh gần như là tiêu chí mà các khách hàng lựa chọn đầu tiên ở “phân khúc” dịch vụ nhỏ xíu của chúng tôi. Sạch sẽ, thoải mái, được phục vụ chu đáo, tận tình và có thể cùng người thân, bạn bè thư giãn trong một không gian yên tĩnh… là những tiêu chí khác mà khách hàng chia sẻ.
Quan sát và tham khảo thông tin trên nhiều kênh khác nhau, tôi nhận ra đây cũng là xu hướng thay đổi của khách khi chọn điểm đến và đặt phòng khi “mùa cô-vi” vẫn đang còn kéo dài. Không biết tôi có cực đoan và phiến diện không, nhưng có vẻ như trong khi các khách sạn ở khu vực trung tâm thưa khách, ít sáng đèn thì nhiều homestay hay các khách sạn nhỏ ở ngoại ô lại có phần sinh động hơn.
Khảo sát và phân tích dữ liệu mới đây tại Việt Nam của booking.com cho thấy, 42% du khách Việt Nam tránh vào các khu vực quá đông khách và 54% tránh đi du lịch vào mùa cao điểm. Mặt khác, các du khách Việt cũng sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm du lịch mới, giản dị hơn để hòa mình vào cảnh quan ngoài trời. Khảo sát này cũng cho thấy, từ chỗ ưa chuộng các điểm đến xa xôi, du khách Việt đã chuyển sang khám phá những niềm vui nhỏ tại các điểm địa phương lân cận. Ngoài việc ngưng các chuyến bay thương mại quốc tế để kiểm soát dịch bệnh, tỷ lệ tăng đến 44% so với 2019 (96% di chuyển trong nước trong năm 2020) một mặt cho thấy nhu cầu được xê dịch, khám phá và thư giãn của du khách, mặt khác cho thấy rất rõ du lịch nội địa đã trở thành lựa chọn phổ biến của người Việt trong “trạng thái bình thường mới”.
Cho dù đây là lựa chọn mang tính tình thế, nhưng cũng là cơ hội để có nhiều chuyến đi nội địa và các điểm du lịch địa phương sẽ được chọn là điểm đến nhiều hơn trong tương lai. Cũng theo booking.com, khi hạnh phúc không còn được đo bằng cây số, người Việt đã sẵn sàng lên lịch cho các kỳ nghỉ và khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của quê hương an lành. Đây cũng là cơ sở cho nhận định của một trong những công ty hàng đầu thế giới cung cấp dịch vụ du lịch trên nền tảng số hóa, rằng trong tương lai, du lịch gần nhà và các trải nghiệm quen thuộc sẽ được ưu tiên hơn so với việc khám phá những điểm đến mới lạ. 48% du khách được hỏi cho hay có kế hoạch đi trong nước dài hạn ở mức trên 1 năm và 57% khác vẫn có kế hoạch đi trong nước trong trung hạn (từ 7-12 tháng) là một thông số đáng tham khảo cho điều này.
Trong những nỗ lực đầu năm mới của mình, các địa phương, doanh nghiệp du lịch và lữ hành nói chung đều nỗ lực giới thiệu, kết nối và chào bán các gói sản phẩm du lịch của mình. Mở đầu có thể là việc chúc mừng những hành khách check-in đầu tiên trong ngày đầu tiên của năm mới từ các hãng hàng không, từ các hoạt động đầu năm mới mà việc tái hiện lễ Ban Sóc (lễ phát lịch đầu năm mới của triều Nguyễn xưa), ra mắt Dàn nhạc kèn Huế tại khu Nhà Kèn (Công viên 3/2) bên chân cầu Trường Tiền và trình diễn hòa nhạc với các nhạc phẩm kinh điển của thế giới và Việt Nam tại TP. Huế… là một ví dụ.
Tất nhiên, để khôi phục lại một lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng, chiếm tỷ trọng quan trọng trong GRDP của các địa phương ở lĩnh vực này, phải là xây dựng kế hoạch và chiến lược chạy đường dài, nhất là khi ngành du lịch – dịch vụ trước đó gần như tê liệt vì dịch bệnh trên toàn cầu.
Cả chúng tôi nữa, vẫn nhìn thấy cơ hội của mình khi đón và trò chuyện với các đoàn khách không chỉ đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam hay Đà Nẵng, Quảng Trị mà ngay cả với khách đến từ Huế.
MINH HÀ