Đã nói về kinh tế là nói đến các yếu tố hiệu quả, tiết giảm chi phí, nhanh nhạy trong phản ứng cung cầu… Họ bảo rằng: “Thượng vàng hạ cám” ở TP. Hồ Chí Minh đều có. Một trong những biểu hiện gần đây, được hiểu một cách trực tiếp là vấn đề hành chính – chuyện họp hành. Nhưng nếu soi rọi dưới góc độ “con mắt nhìn kinh tế” thì chúng ta có thể thấy, dường như nhiều việc, TP. Hồ Chí Minh đều soi rọi trong góc nhìn kinh tế, chuyện “ phòng họp không giấy” này chẳng hạn.
Chuyện này có lẽ cũng dễ hình dung khi công nghệ phát triển. Trước đây khi chưa có mạng Internet, muốn gửi một bức thư phải ra bưu điện. Từ khi các ứng dụng của mạng Internet ra đời, thư điện tử đã thay thế gần như tuyệt đối thư giấy. Tiếp theo đó là những tiện ích ứng dụng trên điện thoại thông minh lại càng giúp cho việc trao đổi thông tin một cách nhanh nhạy và hiệu quả hơn. Nó gần như tức thời.
Theo một con số thống kê, cả nước ta có hơn 90 triệu dân nhưng số người sử dụng thuê bao di động lên đến hơn 100 triệu, trong đó có khoảng hơn 50% là sử dụng điện thoại thông minh. Đây là một điều kiện hết sức thuận lợi để triển khai các nền tảng ứng dụng công nghệ trong công việc.
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin. Kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018, Thừa Thiên Huế xếp thứ 2 trên toàn quốc với nhiều chỉ số phành phần nằm trong TOP đầu.
Ví dụ như Chỉ số Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin và Chỉ số Nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin đạt điểm tối đa; Chỉ số Trang/Cổng thông tin điện tử, các chức năng hỗ trợ trên trang/cổng thông tin điện tử đứng thứ nhất…
Chuyện “Phòng họp không giấy" của TP. Hồ Chí Minh chính là chuyện ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, trao đổi công việc hiệu quả. Thông tin này có thể “kích thích” cho nhiều tỉnh thành trong cả nước trao đổi, học tập để áp dụng.
Thực ra, điều này không phải là vấn đề mới. Ở tỉnh ta cũng đã có nhiều cơ quan làm việc này. Ví dụ như, một cơ quan ngôn luận của tỉnh, mấy năm nay đã ứng dụng công nghệ trong điều hành công việc – gọi là Tòa soạn điện tử. Trước đây, mọi thông tin qua bài vở được trao đổi bằng giấy. Từ khi ứng dụng tòa soạn điện tử, tất cả mọi thông tin, từ tác phẩm báo chí đến các văn bản hành chính, thông tin, thông báo, điều hành công việc ... từ đầu vào đến đầu ra đều xử lý trên môi trường mạng. Nhờ vậy, gần như tuyệt đối không sử dụng giấy. Thông tin được xử lý nhanh, chính xác. Những người trong các khâu tham gia vào qui trình làm việc có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu. Chừng đó việc đủ để chúng ta có thể hình dung nó tiết kiệm được thời gian, chi phí là như thế nào.
Một ví dụ khác. Những buổi giao lưu trực tuyến giữa lãnh đạo và người dân, doanh nghiệp qua môi trường mạng (mỗi tháng một lần) có thể hiểu ở một khía cạnh nào đó chính là những buổi “tiếp công dân”. Về hiệu quả, nếu theo dõi thì chúng ta thấy rất rõ: Tiếp xúc được nhiều người hơn; trả lời cho người dân và doanh nghiệp được nhiều câu hỏi hơn; diện tiếp xúc rộng hơn (hầu như trên địa bàn cả tỉnh người dân và doanh nghiệp gửi câu hỏi về buổi giao lưu)… Giao lưu trực tuyến đã được tỉnh tổ chức trong nhiều năm nay. Và như vậy, chúng ta có thể hiểu hiệu quả đưa lại là rất lớn.
Chuyện hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc thì có lẽ ai cũng hiểu nhưng không phải tất cả các cấp, cơ quan ban ngành đều có quyết tâm như nhau. Chuyện họp hành, tổng kết, triển khai công việc… áp dụng theo phương thức truyền thống vẫn còn nhiều. Tức là vẫn chưa tìm kiếm những giải pháp để tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả. Tất nhiên không phải mọi trao đổi đều thông qua môi trường mạng nhưng nhiều việc có thể làm được.
Theo dự kiến của VNPT, đơn vị cung cấp ứng dụng “phòng họp không giấy” cho UBND TP. Hồ Chí Minh thì sẽ tiết kiệm được khoảng 30% giấy tờ phục vụ hội họp và 40% chi phí thời gian. Điều này cũng đáng để chúng ta lưu tâm.
THANH LÊ